1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc: Hàng xa xỉ ế ẩm vì chính phủ...chống tham nhũng

(Dân trí) - Thị trường hàng xa xỉ tại Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm không chỉ bởi kinh tế đi xuống. Các nhà phân phối e ngại việc chính phủ tăng cường chống tham nhũng sẽ làm mất đi một nguồn tiêu thụ quà biếu đắt tiền.

Kể từ sau những bê bối chính trị liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai gần đây, Trung Quốc đang tỏ ra rất nhạy cảm với bất kỳ thứ gì có thể làm dấy lên nghi án tham nhũng, nhất là trong bối cảnh nước này sắp có sự chuyển giao quyền lực. Chính phủ nước này thậm chí đã ban hành chỉ thị yêu cầu các quan chức thực hiện “lối sống thanh đạm” với hiệu lực từ 1/10 tới.
Trung Quốc là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ hai thế giới
Trung Quốc là thị trường hàng xa xỉ lớn thứ hai thế giới
 
Quy định này sẽ cấm các cơ quan chính phủ chi tiền ngân sách vào các bữa tiệc sang trọng, xe hơi đắt tiền và cũng cấm luôn việc nhận quà biếu giá trị cao. Trong văn hóa Trung Quốc tặng quà là một hành động để bày tỏ sự kính trọng và đây chính là nguồn tiêu thụ rất ổn định các loại hàng hóa xa xỉ bậc nhất thế giới.

Vậy nhưng một loạt vụ bê bối gần đây của các quan chức đã khiến nhiều người Trung Quốc, nhất là cộng động mạng nổi giận và đặt câu hỏi tiền đâu để các quan chức mua những hàng xa xỉ đắt tiền đó. 

Tiêu biểu có thể kể đến vụ chiếc Ferrari của con trai ông chủ nhiệm văn phòng Trung ương đảng gây tai nạn tại Bắc Kinh hôm 18/3 vì chạy quá tốc độ. Và mới đây là việc một quan chức bị chụp ảnh đang cười cợt tại hiện trường vụ một tai nạn giao thông thảm khốc, trên tay đeo đồng hồ đắt tiền vượt xa mức lương của vị này.

Theo báo giới Trung Quốc, các cảnh sát nước này giờ được huấn luyện cách phát hiện các thương hiệu nổi tiếng để giúp điều tra tham nhũng. “Các loại hàng xa xỉ ấy rất đắt và các công chức, những người hưởng lương khoảng 5000 nhân dân tệ/tháng (khoảng 790,6 USD) không thể mua nổi”, tờ China Daily số ra ngày 21/9 viết. “Do đó những quan chức nào sở hữu hàng xa xỉ cần phải đưa ra lời giải thích thuyết phục về cách thức có được chúng”. 

Chính vì vậy người Trung Quốc giờ đây không chỉ giảm mua sắm hàng xa xỉ vì kinh tế đi xuống mà còn để tránh bị điều tiếng. Hôm 11/9, thương hiệu thời trang của Anh Burberry cảnh báo tăng trưởng doanh thu của họ tại thị trường Trung Quốc hiện thấp xa dự báo và lo ngại tình hình này sẽ khiến cả thị trường hàng xa xỉ lao dốc. 

Trong ngày hôm nay thương hiệu thời trang Prada của Italia cũng sẽ công bố báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn rõ hơn về sức mua của thị trường Trung Quốc. Dù vậy sau cảnh báo của Burberry, cổ phiếu của Prada đã giảm 7,5%.

Tác động của chiến dịch “thanh đạm” mà Bắc Kinh triển khai hồi tháng 7 đối với sức mua hàng xa xỉ còn được thấy rõ tại Hong Kong, một điểm mua sắm ưa thích của giới nhà giàu Trung Quốc. Trong tháng 7 doanh thu của ngành này chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh so với mức 11% của tháng 6. Số liệu của tháng 8 sẽ được công bố vào ngày 4/10 tới.

Doanh số các loại hàng xa xỉ thường được dùng làm quà biếu như đồng hồ hay rượu ngoại đểu đã đi xuống. Jebsen, một nhà phân phối các thương hiệu hàng đầu tại Trung Quốc và là một trong những đại lý phân phố xe Porsche lớn nhất thế giới cho biết doanh số xe của họ vẫn tăng 28% trong tháng 8. Tuy nhiên mảng kinh doanh rượu Bordeaux đã giảm tới 25%.

Dù vậy thì có lẽ vẫn còn hơi sớm khi nói về một sự khủng hoảng của lĩnh vực hàng xa xỉ tại Trung Quốc. Theo bà Desiree Bollier, CEO của Value Retail, đơn vị sở hữu 9 khu bán hàng cao cấp tại châu Âu nhận định: “Nhu cầu không biến mất mà chỉ thay đổi về phạm vi và độ tinh tế”. 

Thanh Tùng
Theo Reuters