Trung Quốc đơn độc trong việc tài trợ các dự án điện than ở châu Phi | Báo Dân trí

Trung Quốc đơn độc trong việc tài trợ các dự án điện than ở châu Phi

(Dân trí) - Khi các tổ chức tài chính từ Nhật Bản đến Mỹ và châu Âu đều từ chối đầu tư vào các dự án điện than thì các công ty Trung Quốc – với sự hẫu thuẫn của nhà nước - lại “hứng thú” với các dự án này.

Hơn hai thập kỷ qua, Zimbabwe đã cố gắng đột phá vào một tổ hợp điện than khổng lồ bằng một hồ chứa nhân tạo lớn nhất thế giới. Nhưng chỉ có Trung Quốc đồng ý chi 4,2 tỷ USD cho dự án này.

Trung Quốc đơn độc trong việc tài trợ các dự án điện than ở châu Phi - 1
Đập Kariba và Hồ Kariba. Ảnh: AFP/Getty Images

Đây là tin tốt cho Zimbabwe khi nền kinh tế đang sụp đổ và các chính sách thất thường đã ngăn cản đầu tư nước ngoài vào Zimbabwe trong 20 năm qua.

Khi các tổ chức tài chính từ Nhật Bản đến Mỹ và châu Âu đều từ chối đầu tư vào các dự án điện than thì các công ty Trung Quốc – với sự hẫu thuẫn của nhà nước - lại “hứng thú” với các dự án này.

“Chúng tôi rất vui mừng khi dự án đang được triển khai, đặc biệt là khi các ngân hàng lớn trên thế giới buộc phải ngừng tài trợ cho các nhà máy điện than”, ông Caleb Dengu, Chủ tịch của Công ty Năng lượng RioZim, chủ sở hữu dự án cho biết. “Đây là bằng chứng về cam kết phát triển các dự án ở châu Phi của người Trung Quốc”, ông nói.

Trung Quốc chắc chắn đang cần bạn bè khi làn sóng trên toàn cầu đòi Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về đại dịch Covid-19 lây lan từ Vũ Hán. Tuy nhiên, việc bơm tiền vào các dự án điện than chỉ khiến Trung Quốc bị cô lập khi hỗ trợ các dự án gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm.

Thực tế, vào năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã hứa phủ xanh các dự án hạ tầng ở nước ngoài theo Sáng kiến Vành đai và Con đường nhằm thúc đẩy việc phát triển thân thiện với môi trường phù hợp với mục tiêu của Liên Hợp Quốc. Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng các dự án sẽ phải xanh và bền vững.

Trung Quốc đơn độc trong việc tài trợ các dự án điện than ở châu Phi - 2
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong một cuộc họp báo tại Diễn đàn Vành đai và Con đường năm 2017. Ảnh: AFP / Getty Images

Tuy nhiên, theo số liệu từ Tổ chức Hoà Bình Xanh, các công ty và ngân hàng Trung Quốc đã tham gia tài trợ cho ít nhất 13 dự án điện than trên khắp lục địa châu Phi và 9 dự án đường ống khác.

Cũng theo Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston, kể từ năm 2000, chỉ riêng hai ngân hàng là: Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp 51,8 tỷ USD cho các dự án điện than trên toàn cầu.

“Mặc dù hứa chuyển sang hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và có mức carbon thấp, song các ngân hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục hỗ trợ bơm tiền cho các dự án điện than”, Lauri Myllyvirta, Nhà phân tích chính của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch cho biết.

Chủ tịch Tập đã thường xuyên đề cập tới cam kết của Trung Quốc về việc chống lại biến đổi khí hậu như đã ký tại Thoả thuận Paris. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không có ý định thoái vốn sớm khỏi các dự án điện than.

Thoả thuận đầu tư của Trung Quốc là chiến thắng hiếm hoi đối với Zimbabwe, đất nước đang bị cắt điện kéo dài tới 18 tiếng/ngày khi sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và không đủ khả năng tài chính để nhập khẩu điện.

Trung Quốc đơn độc trong việc tài trợ các dự án điện than ở châu Phi - 3

Cắt điện ở Harare vào ngày 30/9/2019. Ảnh: AP

Dự án này ban đầu được sở hữu bởi Công ty khai thác mỏ Rio Tinto – có trụ sở tại London, công ty mẹ một thời của Tập đoàn RioZim – chủ sở hữu của Công ty Năng lượng RioZim. Nó đã được tạm hoãn sau khi mối quan hệ giữa Zimbabwe và Vương Quốc Anh xấu đi. Sau đó, dự án đã được hồi sinh vào năm 2016, Tập đoàn General Electric và một chi nhánh của Tập đoàn Blackstone đã không thực hiện các yêu cầu ban đầu, ông Dengu nói.

Theo ông Dengu, Công ty thuộc sở hữu nhà nước PowerChina đã được ký hợp đồng xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy có tên là Sengwa với tổng chi phí 1,2 tỷ USD. Nguồn vốn do Ngân hàng Công Thương Trung Quốc cung cấp. Tuy nhiên, PowerChina cho biết, hiện họ chưa có thông tin về dự án này.

Tháng trước, một thỏa thuận đã được ký kết cho phần còn lại của dự án, sẽ bổ sung thêm 2.100 megawatt với chi phí 3 tỷ USD. Tập đoàn Gezhouba của Trung Quốc, một phần thuộc sở hữu nhà nước, sẽ phát triển dự án và dẫn đầu cho việc gây quỹ, ông Dengu cho biết thêm.

Mặc dù dự án của Zimbabwe nằm trong số các dự án được Trung Quốc quan tâm nhưng không phải là dự án lớn nhất. PowerChina đã ký một thoả thuận với chính quyền tỉnh Limpopo của Nam Phi để xây dựng một nhà máy điện với công suất ít nhất là 3.000 megawatt trị giá 4,5 tỷ USD. Nhưng dự án này không được cộng đồng địa phương hoan nghênh.

Bà Han Chen, thuộc Hội đồng Quốc phòng Tài nguyên Quốc gia, cho biết: Trong số 11 dự án điện than ở châu Phi nhận hỗ trợ từ nước ngoài thì có 10 dự án do các công ty của nhà nước Trung Quốc tài trợ.

Khi các ngân hàng của các nước khác bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc phớt lờ các dự án điện than thì các dự án này sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

“Các ngân hàng Trung Quốc sẽ thấy ngày càng đơn độc trong việc tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện than mới, cả trong nước và trên toàn thế giới”, Christine Shearer, Giám đốc ngành than tại Global Energy Monitor cho biết.

Nhật Linh

Theo Bloomberg