Trung Quốc đối mặt với “núi nợ”
Tổng nợ của nền kinh tế Trung Quốc hiện đã tiến lên mức 282% tổng thu nhập quốc nội (GDP), theo nghiên cứu của Viện McKinsey toàn cầu.
Thực tế, nợ của chính quyền trung ương tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tương đối thấp so với nhiều nước khác, vì thế chính phủ Trung Quốc còn dư địa để thực hiện chính sách kích thích tài khoá nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm lại.
Tuy nhiên, với các chính quyền địa phương, tình hình khó khăn hơn nhiều, bởi các địa phương đều vay rất nhiều trong những năm trước đây, nhất là sau khủng hoảng tài chính 2008. Hiện các chính quyền địa phương đang vật lộn với những khoản nợ lớn.
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc và nhiều đơn vị sản xuất khác đang gánh những khoản nợ khổng lồ. Tháng trước, công ty sản xuất thiết bị điện Baoding Tianwei trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên của Trung Quốc bị vỡ nợ trong nước.
Với tình trạng các công ty thiếu vốn như hiện nay, nhiều khả năng việc ngân hàng trung ương nước này nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ khiến nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp tăng vọt.
Với vay cá nhân, tình hình khả quan hơn, bởi chưa nhiều người dân Trung Quốc có thói quen vay tiêu dùng. Tuy nhiên, ước tính khoảng 30% số nợ cá nhân tại nước này là các khoản vay qua tín dụng đen. Chính quyền Trung Quốc trong những năm qua đã rất nỗ lực kiểm soát hình thức vay vốn này do lo ngại về tính không minh bạch của nó.
Hiện nợ của Trung Quốc có dấu hiệu đã đạt đỉnh và tỷ lệ nợ trên GDP bắt đầu ổn định. Câu hỏi với các nhà quản lý tại Trung Quốc hiện nay là việc tổng nợ giảm có dẫn đến sự xáo trộn trong nền kinh tế hay không, hay họ có thể “hạ cánh mềm”.
“Các nhà quản lý ở Trung Quốc phải hết sức khéo léo để giữ thăng bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tránh tình trạng nợ nần lại chuyển biến xấu đi. Họ không muốn một lần nữa thả vị thần ra khỏi chai”, David Mann, kinh tế trưởng của Ngân hàng Standard Chartered tại châu Á, nhận định.
Theo Diệu Minh