Trung Quốc: Doanh nghiệp quốc doanh "ép chết" kinh tế tư nhân

(Dân trí) - Không chỉ dừng lại ở ưu ái về nguồn vốn, chính sách, chính phủ Trung Quốc còn có nhiều quyết định bị cho là đi ngược lại quyền lợi của kinh tế tư nhân để giúp các doanh nghiệp quốc doanh…

Ngày nay những ai có dịp ghé thăm thị trấn Jingbian ở phía Bắc tỉnh Shaanxi có thể dễ dàng bị choáng ngợp bởi những giếng khoan dầu mọc lên khắp nơi. Tại đây mỗi năm hơn 3000 họng bơm vẫn hút lên đều đặn 7 triệu thùng dầu thô, giúp cho Shaanxi Yanchang Petroleum, một công ty dầu khí quốc doanh ngày càng lớn mạnh.

Các giếng dầu tại tỉnh Shaanxi
Các giếng dầu tại tỉnh Shaanxi từng là tải sản của tư nhân

Hiện Shaanxi Yanchang chính là doanh nghiệp lớn nhất và cũng nộp ngân sách nhiều nhất tại địa phương này. Thế nhưng đằng sau sự lớn mạnh ấy là một câu chuyện khó tin, gây không ít tranh cãi về sự bất công mà các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc phải chịu. Những người từng tiên phong bỏ tiền túi thăm dò và tìm ra nguồn dầu mỏ đã bị ép đến mức phá sản và còn bị tống giam vì không chịu bán rẻ công ty cho doanh nghiệp quốc doanh.

Tất cả bắt đầu năm 1992 khi một đơn vị của quân đội từ tỉnh kế bên là Gansu tới Shaanxi tới khoan thăm dò dầu thô theo lệnh của chính phủ. Họ đã tìm được khá nhiều dầu tại thị trấn Jingbian. 2 năm sau, khi các quan chức tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của việc khai thác dầu trên quy mô công nghiệp tại Shaanxi, họ đã chính thức cho các nhà đầu tư tư nhân thuê lại quyền khai thác dầu. Kể từ đây cuộc đua tìm kiếm dầu mỏ bắt đầu.

Feng Xiaoyuan, khi ấy đã 50 tuổi và là người đứng đầu Phòng chăn nuôi thị trấn Jingbian quyết định nghỉ việc, huy động tiền từ bạn bè để đi tìm kiếm dầu mỏ. Vào thời điểm này, tư tưởng đổi mới kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khiến người người muốn kinh doanh, nhà nhà đổ xô làm kinh tế. Và ông Feng cũng vậy.

Ngay trong đợt khoan thử đầu tiên ông Feng đã tìm thấy dầu. Tương tự, ông Wang Shijun, một cựu bí thư đảng ủy của làng và con trai của một gia đình nông dân nghèo khi ấy còn sống trong hang đá cũng tìm thấy dầu. Ông Wang huy động thêm vốn từ bà con và bạn bè để khai thác từ giếng dầu tìm được với năng suất 60 thùng/ngày.

Tin đồn nhanh chóng lan rộng. Và như nhiều người muốn làm giàu, ông Feng Bingxian, một nhân viên của một công ty quốc doanh tại tỉnh Nội Mông kế bên, cũng tới Jingbian đem theo toàn bộ tiền vốn vợ kiếm được từ buôn bán với Mông Cổ để đầu tư khai thác dầu. Vào thời điểm này Jingbian thực sự sôi động khi các nhà đầu tư tư nhân đổ xô về và thực hiện hàng nghìn lượt khoan thăm dò. Rất nhiều người trắng tay vì không gặp may nhưng số ít may mắn hơn thì phát tài chóng mặt.

Đỉnh điểm là đầu năm 2003 khi hàng chục nghìn nhà đầu tư mua cổ phần tại hơn 4000 giếng dầu trải dài trên diện hơn 1000 km2 ở đây. Mỗi ngày hàng chục nghìn thùng dầu được hút lên, đóng góp khoảng 2-3% sản lượng dầu thô toàn quốc. Thế nhưng các nhà đầu tư đã mải vui với thành công mà quên mất một luật bất hành văn của các công ty tư nhân tại Trung Quốc đó là: đừng phát triển quá lớn mạnh đến mức nhà nước cũng thèm muốn.

Năm 1999, chính phủ trung ương ra lệnh cho chính quyền Shaanxi ngừng bán quyền khai thác cho tư nhân và giúp sức cho Tập đoàn dầu mỏ quốc gia, doanh nghiệp khai thác dầu lớn nhất nước, mua lại các giếng dầu đang khai thác. Dù vậy chính quyền địa phương, những người đang được chia phần không nhỏ từ các nhà đầu tư đã phớt lờ chỉ thị này để tiếp tục cấp phép khai thác mới.

Cuối cùng đến năm 2003 chính phủ trung ương hết kiên nhẫn và đã ra lệnh cho các nhà đầu tư tư nhân chấm dứt khai thác. Không thể chịu đựng việc hoạt động kinh doanh của mình bị khai tử, ông Feng Xiaoyuan đã đứng ra đại diện cho một nhóm các nhà khai thác thương lượng với chính quyền. Ông không ngờ rằng người ngồi ở phía bên kia bàn đàm phán lại chính là cấp phó cũ của mình.

Tháng 5/2005 cơ quan chức năng Jingbian bắt đầu tiến hành tịch thu 1600 giếng dầu đồng thời điều động cảnh sát tới để ngăn các doanh nghiệp tư nhân tái chiếm. Tổng cộng khoảng 4000 giếng dầu trị giá khoảng 850 triệu USD vào thời điểm đó (khi giá dầu chưa tới 40 USD/thùng, chưa bằng một nửa hiện nay) đã bị quốc hữu hóa.

Trên khắp phía Bắc Shaanxi hàng trăm nhà đầu tư tư nhân đã biểu tình chống lại việc bị tịch thu tài sản. Không ít người bị đánh đập, bị bắt. Số còn lại ngậm ngùi nhận những khoản đền bù bèo bọt từ chính phủ, tổng cộng khoảng 240 triệu USD. Không cam chịu, 3 người nông dân sắp thành triệu phú khi đó là các ông Feng Xiaoyuan, Feng Bingxian và Wang Shijun quyết định khởi kiện.

Thế nhưng tòa án không chịu thụ lý. Các luật sư có ý định bào chữa cho 3 nhà đầu tư này đều bị bắt giam. Cuối cùng đến lượt cả 3 người bị bỏ tù vì gây rối trật tự và tụ tập bất hợp pháp. Feng Bingxian lãnh án 3 năm tù giam. 2 người còn lại bị giam 5 và 6 tháng. Feng Xiaoyuan cũng bị khai trừ khỏi đảng cộng sản Trung Quốc.

Toàn bộ hoạt động khai thác sau đó được giao cho công ty quốc doanh Yanchang. Năm 2011, công ty này đạt doanh thu hơn 370 triệu USD và nộp ngân sách 175 triệu USD. Đến nay đây trở thành một ví dụ điển hình cho câu nói của nhiều nhà đầu tư Trung Quốc “guojin mintui”, có nghĩa là “Nhà nước giàu lên, tư nhân lụn bại”.

Tại tỉnh Shanxi kế bên, cũng với luận điệu rằng muốn giúp hoạt động khai thác hiệu quả và bảo vệ môi trường tốt hơn, các quan chức ở đây đã đóng cửa nhiều mỏ than của tư nhân sau khi không thể thuyết phục họ bán lại cho các doanh nghiệp quốc doanh với giá “bèo”.

Thanh Tùng
Lược dịch theo Economist