Doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc: người hùng hay tội đồ? (P2)

(Dân trí) - Được ưu ái lớn về cơ chế, vốn và cả sự độc quyền trong nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc đang thu lợi lớn trong khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp tư nhân “kêu trời”.

Không chỉ tỏ ra kém hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) Trung Quốc còn khiến cho chi phí các mà công ty tư nhân và hộ gia đình phải chịu tăng cao do độc quyền.


Lợi nhuận của các SOE Trung Quốc đa phần do độc quyền (Ảnh: Internet)
Lợi nhuận của các SOE Trung Quốc đa phần do độc quyền (Ảnh: Internet)

Theo giáo sư Xi Li tại đại học Khoa học và công nghệ Hồng Kong, những năm gần đây, mặc dù các SOE đã rút lui khỏi khá nhiều lĩnh vực nhưng đó chủ yếu là các ngành kém hấp dẫn. Còn trong các lĩnh vực như bất động sản, xây dựng hạ tầng họ vẫn tiếp tục nắm thế độc quyền.

Chính vị thế này đã giúp cho các SOE có thể tự đặt ra những mức giá cao trong những ngành sinh lời lớn. Ví dụ, theo giáo sư Kan Kaili của đại học Bưu chính viễn thông Bắc Kinh, công ty viễn thông lớn nhất Trung Quốc là China Mobile hiện tính rất nhiều loại phí mà ở các nước khác không hề có.

Theo số liệu mà ông có được, trong năm 2005, có đến 5,9 tỷ USD, tương đương gần 1/2 lợi nhuận của công ty này đến từ phí chuyển vùng nội địa, một dịch vụ mà hầu như công ty này chẳng phải bỏ ra đồng chi phí nào. Để có được lợi nhuận ấy, người chịu thiệt không chỉ là các doanh nghiệp nhỏ mà là cả những người lao động.

Các mức giá cao mà các SOE độc quyền đặt ra giống như một loại thuế đánh vào kinh tế tư nhân và đến lượt các công ty này lại chuyển một phần gánh nặng chi phí ấy vào giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng và lương nhân viên, khiến thu nhập thực của họ bị giảm. Đó chính là một phần lí do vì sao tỷ lệ thu nhập của người lao động/GDP của Trung Quốc liên tục giảm từ năm 1992 tới nay.

Hiện mô hình trên đã lộ rõ sự không bền vững. Khi nhu cầu nhập khẩu từ Mỹ và EU giảm mạnh còn lương của công nhân tăng lên, nguồn lao động giá rẻ của Trung Quốc dần cạn kiệt. “Nếu Trung Quốc tiếp tục duy trì mô hình chủ nghĩa tư bản quốc gia, các doanh nghiệp tư nhân sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên. Và khi doanh nghiệp tư nhân sụp đổ, nó sẽ kéo theo các SOE”, giáo sư Xi nhận định. “Trung Quốc giờ đang mặc kẹt giữa núi cao và vực sâu”.

Ngày càng nhiều nhà kinh tế hiện cũng chia sẻ mối lo ngại của giáo sư Xi. Một bản cáo cáo được thực hiện bởi ngân hàng thế giới WB và Trung tâm nghiên cứu phát triển Trung Quốc được công bố hồi tháng 3 khẳng định Bắc Kinh cần thay đổi chiến lược phát triển.

Theo đó, thay vì dựa vào đầu tư và xuất khẩu, họ cần chú trọng hơn vào kinh tế tư nhân và tiêu dùng, những nguồn tạo việc làm và động lực đổi mới quan trọng nhất. Bản báo cáo đồng thời kêu gọi đẩy mạnh cổ phần hóa các SOE.

Đáng buồn là những bước cải cách ấy đang diễn ra một cách chậm chạp. Bắc Kinh đã có một vài sáng kiến để giúp các SOE kinh doanh hiệu quả hơn. Một trong số đó là việc thành lập Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước (SASAC), một công ty trung ương kiểm soát toàn bộ cổ phần nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty trung ương quan trọng nhất.

Sự ra đời của SASAC tại Trung Quốc nhằm tách bạch hoạt động kinh doanh và quản lý nhà nước, được cho là đi theo mô hình của tập đoàn Temasek Singapore. Temasek là doanh nghiệp trực thuộc chính phủ Singapore, quản lý toàn bộ các tài sản trọng yếu của quốc gia. Nhưng ban lãnh đạo gồm hoàn toàn các doanh nhân chứ không phải quan chức chính phủ. Temasek chỉ giữ vai trò một cổ đông tại các công ty họ tham gia vốn còn lại mọi quyết định điều hành đều do hội động quản trị công ty thực hiện.

Với Trung Quốc, nhiều nhà phê bình cho rằng việc thành lập ra hội đồng quản trị hay cổ đông ở các SOE chỉ mang nặng tính hình thức bởi Bắc Kinh vẫn không từ bỏ việc điều hành hoạt động. Các vị trí chủ chốt ở nhiều SOE vẫn do Ban tổ chức của Đảng bổ nhiệm trong khi việc bổ nhiệm tại SASAC thường được thực hiện dựa trên giới thiệu của nhiều cơ quan, ban ngành chính phủ và phải được Hội đồng nhà nước thông qua.

Những dấu hiệu cải cách mới ví dụ như yêu cầu các SOE trả cổ tức cho SASAC ở mức 5%, 10% hay 15% cũng bị xem là chỉ mang tính tượng trưng bởi bản thân các SOE sẽ hầu như không có lãi khi loại trừ các yếu tố độc quyền.

Một nghiên cứu của viện kinh tế Unirule cho thấy, trong năm 2009, 70% lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp trung ương đến từ 10 công ty lớn. Trong đó riêng China National Petroleum Corporation và China Mobile đóng góp 1/3 tổng lợi nhuận. Điều đó có nghĩa là rất nhiều SOE còn lại hoạt động kém hiệu quả.

Theo ước tính của Unirule, nếu loại bỏ yếu tố độc quyền về giá và bao cấp trực tiếp từ chính phủ thì lợi nhuận của hầu hết các SOE sẽ không còn. “Khi chúng ta công thêm toàn bộ các khoản mà các hộ gia đình phải gánh cho các SOE, con số ấy sẽ gấp từ 4-6 lần tổng lợi nhuận của lĩnh vực kinh tế quốc doanh. Do đó khi người ta nói đến việc tăng cổ tức từ 10% lên 30% thì cũng chẳng đáng là bao”, ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại đại học Peking nhận xét.

Một ví dụ điển hình là các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc. Theo phó giáo sư Patrick Chovanec tại trường Kinh tế và quản trị, đại học Tsinghua, sở dĩ các ngân hàng này có thể báo cáo những khoản lợi nhuận khổng lồ bởi hệ thống tài chính của nước này cho phép các ngân hàng bỏ qua rất nhiều chi phí.

Thông thường các ngân hàng thường phải chịu 2 chi phí chính khi kinh doanh đó là chi phí huy động vốn và chi phí trích lập dự phòng nợ xấu. Tại Trung Quốc các ngân hàng chỉ phải trả mức lãi suất huy động thấp nhờ trần lãi suất tiền gửi do ngân hàng trung ương đặt ra. Trong khi đó các khoản nợ xấu chỉ được ghi nhận một phần nhỏ.

“Bất kỳ công ty nào cũng có thể tạo ra lợi nhuận nếu không phải ghi nhận một nửa chi phí kinh doanh. Vậy nên liệu lĩnh vực kinh tế quốc doanh có thực sự có được những nguồn lực trên để phân bổ? Có lẽ mọi chuyện không như người ta thấy”, ông Chovanec nói.

Thanh Tùng
Lược dịch theo CER