Trung Quốc đổ 4,1 tỷ USD mua lại doanh nghiệp Việt; Vốn vào bất động sản tăng mạnh

(Dân trí) - Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quý I/2019 các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và lãnh thổ Đài Loan đã đổ hơn 5,87 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó hơn 4,17 tỷ USD vào góp vốn, mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt.

Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện bỏ hơn 71% số vốn đầu tư vào việc mua lại cổ phần và góp vốn vào các công ty tại Việt Nam.

Trung Quốc đổ 4,1 tỷ USD mua lại doanh nghiệp Việt; Vốn vào bất động sản tăng mạnh - 1

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng cường mua sắm doanh nghiệp Việt, trong đó không loại trừ các dự án bất động sản kiểu "lúa nón"

Theo Cục đầu tư nước ngoài, tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt trong quý I/2019 là hơn 5,68 tỷ USD, riêng các nhà đầu tư Trung Quốc đã đóng góp hơn 4,17 tỷ USD, chiếm hơn 73,4% tổng lượng vốn.

Như vậy, lượng tiền của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu tập trung vào lĩnh vực mua lại, góp vốn vào các doanh nghiệp Việt. Số vốn đầu tư mới, tăng thêm chỉ 1,6 tỷ USD, chiếm chưa đầy 30% tổng lượng vốn mà các nhà đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam.

Cũng trong quý I/2019, tổng lượng vốn FDI vào bất động sản đạt hơn 778 triệu USD, tăng hơn 293 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn vào bất động sản chủ yếu là dự án cấp mới chiếm 63% (khoảng 497 triệu USD) cho hơn 24 dự án, trung bình mỗi dự án khoảng 20 triệu USD/dự án (460 tỷ đồng).

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước 2018, vốn/dự án bất động sản trung bình chỉ đạt 11 triệu USD/dự án (tương đương khoảng 252 tỷ đồng/dự án).

Lượng vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông đổ vào Việt Nam năm 2019 qua kênh mua lại và cổ phần đang tăng vọt. Nếu như Quý I/2018, tổng vốn các nhà đầu tư Hồng Kông đổ vào Việt Nam đạt 688 triệu USD thì đến quý I/2019, tổng lượng vốn các nhà đầu tư Hồng Kông đổ vào Việt Nam tăng mạnh lên 4,4 tỷ USD, trong đó hơn 80% chi cho mua bán doanh nghiệp Việt, mua cổ phần.

Hiện trạng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc tăng cường mua lại doanh nghiệp Việt, theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là động thái đáng chú ý bởi hầu hết họ đều muốn xâm nhập thị trường Việt Nam bằng vốn trước khi chính thức đặt chân vào thị trường. Khi nắm lượng cổ phần tự quyết, các doanh nghiệp Việt sẽ nằm trong quyền quyết định của các nhà đầu tư nước này.

Theo Cục đầu tư nước ngoài, nhóm doanh nghiệp nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần là doanh nghiệp logistics, bất động sản, dịch vụ tài chính và lữ hành...

Về lượng vốn đổ vào bất động sản, quý I/2019 vốn vào khu vực này tăng mạnh cũng một phần cho thấy tiềm năng thị trường nhà đất tại Việt Nam rất bắt mắt giới đầu tư nước ngoài. Theo đánh giá của các hãng như Savills, CBRE hay JLL, giá căn hộ cho thuê, giá thuê sàn thương mại hay giá đất tại TP. HCM, Hà Nội hay các khu vực có du lịch phát triển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đang rẻ hơn nhiều so với giá tại Hồng Kông, Singapore hay Thượng Hải.

Chính với mức giá rẻ, nhiều tiềm năng tăng giá, nhiều nhà đầu tư đã đổ tiền vào Việt Nam để có cơ hội đầu tư, sinh lời, trong đó không ít nhà đầu tư ẩn danh, đứng sau doanh nghiệp Việt để sở hữu, quyền quyết định sử dụng diện tích đất.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm