1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc: Dịch vụ chăm sóc người già kiếm bộn tiền

(Dân trí) - Với việc số lượng người già ngày càng tăng trong khi giới trẻ không đủ thời gian và điều kiện phụng dưỡng, dịch vụ chăm sóc người già tại Trung Quốc đang nở rộ. Nhiều chủ khách sạn sẵn sàng “biến” khánh sạn của mình thành trại dưỡng lão để kiếm lời.

Dịch vụ chăm sóc người già tại Trung Quốc đang có cơ hội lớn
Dịch vụ chăm sóc người già tại Trung Quốc đang có cơ hội lớn

Tại một trại dưỡng lão ở Bắc Kinh, hàng ngày ông Zhang Zizhong thường là người bắt nhịp để những người bạn sống trong khu nhà cùng hát. Cụ ông 82 tuổi này là một trong số ngày càng nhiều những người dành năm cuối đời tại các khu chăm sóc người già thay vì sống cùng gia đình.

“Trại dưỡng lão rất tốt”, ông nói. “Tôi thực sự cảm thấy an toàn khi ở đây”.

Theo truyền thống Trung Quốc, khi các bậc bố mẹ trở nên già yếu họ thường sống với con cái mình. Tuy nhiên truyền thống đó đang thay đổi do lối sống cũng như hệ quả của chính sách một con.

Được triển khai năm 1979 để hạ tỷ lệ gia tăng dân số, sau 34 năm, chính sách này đang khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhận hậu quả bởi tỷ lệ sinh ngày càng giảm. Trong khi đó tuổi thọ của người dân ngày một tăng do kinh tế phát triển hơn. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang phải đối mặt với một thách thức lớn: Làm sao để chăm sóc số dân đang ngày một già đi.

“Chính sách một con đang tạo ra nhiều tranh cãi trong xã hội ngày nay”, ông Zhang nhận xét. “Con cái không có đủ thu nhập và không đủ khả năng chăm sóc 4 bố mẹ. Chi phí quá đắt đỏ”.

Trung Quốc ước tính có khoảng 200 triệu người trên 60 tuổi. Trong vòng 20 năm tới, số cư dân lớn tuổi dự kiến sẽ vượt 400 triệu - nhiều hơn dân số tòan bộ nước Mỹ, Feng Wang, một giáo sư đại học California tại Irvine dự báo. “Làm sao có thể hỗ trợ lượng người già lớn như vậy khi lực lượng lao động ngày càng ít đi trong khi cấu trúc gia đình suy yếu?”

Theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh có khả năng sẽ sửa đổi chính sách một con trong năm nay hoặc năm tới. Theo đó một cặp vợ chồng có thể được phép sinh con thứ hai nếu một trong hai vợ chồng không có anh chị em. Theo luật hiện hành, một cặp vợ chồng chỉ được sinh con thứ hai nếu cả hai người đều là con duy nhất.

Dịch vụ chăm sóc người già nở rộ

Việc dân số già đi nhanh chóng trong khi các cơ sở chăm sóc của nhà nước phát triển không theo kịp nhu cầu đã tạo ra một cơ hội kinh doanh lớn cho các trại dưỡng lão tư.

Theo số liệu thống kê được tờ Tin tức Bắc Kinh buổi tối đăng tải hồi đầu năm nay, thành phố này có hơn 10.000 người già đang xếp hàng để được vào Nhà xã hội số 1 - một trại dưỡng lão công tại Bắc Kinh, trong khi tổng số giường hiện có chỉ là 1100. Điều đó có nghĩa là những người nộp đơn sẽ phải đợi 100 năm mới đến lượt!

Tọa lạc tại trung tâm quận Chaoyang của Bắc Kinh, mức phí của trại dưỡng lão này chỉ từ 113 - 574 USD/tháng/giường. Trong khi đó một trại dưỡng lão tư nhân cao cấp ở ngoại ô Bắc Kinh thu phí tới 250.000 nhân dân tệ/năm, tương đương khoảng 40.800 USD, đắt gấp 6 lần.

Wang Yun trước đây từng là chủ một nhà hàng nhưng bà đã bỏ ra hơn 1 triệu USD để thành lập hai nhà dưỡng lão. “Những người trẻ tuổi cần phải chăm sóc bố mẹ và con cái của họ. Chúng tôi sẽ giúp họ giảm bớt gánh nặng”, bà nói trại dưỡng lão YYN Senior Care của mình.

Trại dưỡng lão mới nhất của bà Wang là một khách sạn 3 sao được chuyển đổi, với phòng ngủ, bảng và các hoạt động theo nhóm cho người cao tuổi với mức phí lưu trú 800 USD/tháng. Người già ở đây được chăm sóc sức khỏe 24/24 và còn có cả khu vực nhà thuốc và mát-xa.

Cụ Zhang tìn rằng các trại dưỡng lão chính là một nơi tốt cho những người già tại Trung Quốc. Con trai và con gái ông đều đi làm và đã có gia đình riêng. Họ thuộc tầng lớp trung lưu trong xã hội.

“Con cái tôi đi làm từ 6 giờ sáng tới 6 giờ tối. Tôi thường thấy rất hiu quạnh”, ông Zhang nói “Chúng thích ăn McDonalds, KFC và các thức ăn nhanh khác còn tôi thì không”.

Ông cảm thấy may mắn vì mình đủ khả năng tài chính để ở trại dưỡng lão. “Người già đối mặt với rất nhiều vấn đề xã hội. Không ai có thời gian để quan tâm tới chúng tôi”.

Hồi tháng 7 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã ban hành Luật người cao tuổi, cho phép người già có thể kiện con cái họ ra tòa vì tội không chăm sóc mình.

Bà Wang, chủ cơ sở chăm sóc người già cho biết, bất chấp mức độ cạnh tranh ngày càng tăng, bà hy vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh và thành lập một nhà dưỡng lão mới trong năm tới.

Theo bà trở ngại lớn nhất trong ngành này đó là sự thay đổi nhận thức của người Trung Quốc, khiến các cơ sở này được dễ dàng chấp nhận hơn về mặt văn hóa. “Nhiều người già không thực sự cởi mở về chuyện ở nhà dưỡng lão so với phương Tây. Thách thức của chúng tôi đến từ chính gia đình”, bà Wang khẳng định.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm