Trung Quốc dẫn đầu thế giới về lượng tiền "bẩn"

(Dân trí) - Với lượng tiền xuất phát từ các hoạt động phạm pháp, tham nhũng, trốn thuế…chảy sang các thiên đường trốn thuế và các ngân hàng phương Tây lên tới 420,4 tỷ USD, Trung Quốc chính là nơi xuất phát của lượng tiền “bẩn” lớn nhất thế giới.

Trung Quốc chiếm gần một nửa trong tổng số 858,8 tỷ USD tiền “bẩn” trên toàn thế giới .
Trung Quốc chiếm gần một nửa trong tổng số 858,8 tỷ USD tiền “bẩn” trên toàn thế giới .
 
Đây là thống kê mới nhất vừa được tổ chức Global Financial Integrity (GFI) có trụ sở tại Washington, Mỹ công bố hôm 17/12. Theo đó Trung Quốc chiếm gần một nửa trong tổng số 858,8 tỷ USD tiền “bẩn” trên toàn thế giới đã chảy vào các thiên đường thuế và ngân hàng phương Tây năm 2010. 

Con số này của Trung Quốc cao gấp hơn 8 lần các nước xếp sau là Malaysia và Mexico. Tổng các khoản tiền trái phép chuyển ra khỏi nước này tăng 11% so với năm trước đó. “Những khoản tiền bẩn khổng lồ tiếp tục chảy ra khỏi các nước đang phát triển vào các thiên đường thuế nước ngoài và ngân hàng các nước phát triển”, Raymond Baker, giám đốc của GFI khẳng định.

“Các quốc gia đang phát triển đang bị chảy máu tiền tệ ngày càng nhiều tại một thời điểm mà cả những nước giàu và nghèo đều vật lộn với vấn đề tăng trưởng kinh tế. Báo cáo này chính là hồi chuông thức tỉnh các nhà lãnh đạo thế giới cần có nhiều hành động cụ thể để ngăn chặn những dòng tiền tẩu tán nguy hiểm này”, ông Baker nói.

Theo bản báo cáo, tất cả các nước trong Top 10, trong đó có Ấn Độ, Nigeria và Philippine đều đối mặt với những vấn đề lớn về tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo rất lớn cũng như các vấn đề an ninh nội địa. 

Lượng tiền bẩn này lớn đến nỗi cứ mỗi 1 USD hỗ trợ trực tiếp nước ngoài các nước đang phát triển nhận được thì có tới 10 USD đang chảy ra. Trong năm 2010, Trung Quốc mất 420,4 tỷ USD từ hoạt động tẩu tán này và tính chung cho một thập kỷ từ 2001 – 2010 nước này mất 2740 tỷ USD. Và con số này còn tiếp tục tăng lên không ngừng. 

Trước đó trong bản báo cáo hồi tháng 10, GFI cho biết thêm 602 tỷ USD tiền “bẩn” đã bị tuồn khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2011. Như vậy, từ năm 2000 đến 2011, nước này bị mất tổng cộng 3.790 tỷ USD. Dù vậy con số mới nhất này không thể so sánh với các dữ liệu trước đó do GFI đã thay đổi phương pháp tính.

Tính toán của GFI dựa trên sự chênh lệch giữa các luồng tiền vào, bao gồm vốn vay và lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng, với luồng tiền ra, bao gồm các khoản thanh toán cho thương mại, chuyển tiền và các thu nhập khác.

“Bản báo cáo của chúng tôi tiếp tục cho thấy kinh tế Trung Quốc như một quả bom hẹn giờ”, Dev Kar, nhà kinh tế trưởng của GFI nhận định. “Một khi luồng tiền phi pháp bị tuồn ra lớn như vậy, các trật tự về xã hội, chính trị, kinh tế tại quốc gia này sẽ không bền vững trong dài hạn” 

Các quốc gia khác đang có tình trạng tiền “bẩn” lớn còn có Mexico với con số ước tính 51,17 tỷ USD tiền phi pháp đã bị tuồn ra nước ngoài. Tính chung một thập kỷ qua nước này mất 476 tỷ USD dù chưa tính đến hàng tỷ USD tiền mặt có thể đã mất dưới dạng chuyển tiền mặt thông qua hoạt động tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy. Malaysia, một quốc gia dựa vào xuất khẩu, cũng đã mất 64,38 tỷ USD trong năm 2010 và 285 tỷ USD nếu tính trong 10 năm từ 2000 đến 2010.

Thanh Tùng
Theo Reuters