1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Trung Quốc cân nhắc cấm quảng cáo sữa công thức dành cho trẻ em

(Dân trí) - Trung Quốc đang cân nhắc cấm quảng cáo sữa bột công thức dành cho trẻ em nhằm đối phó với tình trạng các bà mẹ ở nước này không muốn nuôi con bằng sữa mẹ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo hãng tin Reuters, thông tin này vừa được Tân Hoa Xã công bố hôm qua (20/4). Một khi được ban hành, lệnh cấm này sẽ là một trở ngại lớn đối với các công ty đang giành giật thị phần trên thị trường sữa bột trẻ em hiện có quy mô gần 18 tỷ USD của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã cho hay, dự thảo lệnh cấm nói trên không cho phép quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các nơi công cộng tất cả các sản phẩm sữa, đồ uống và thực phẩm “thay thế một phần hoặc toàn bộ sữa mẹ”.

Chưa đầy 1/3 số trẻ em ở Trung Quốc được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ. Thậm chí, tỷ lệ này còn đang giảm xuống nhanh chóng bất chấp các tổ chức y tế quốc tế khuyến cáo nuôi trẻ dưới 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Song song với xu hướng này, thị trường sữa công thức dành cho trẻ em của Trung Quốc được hãng tư vấn Euromonitor dự báo sẽ đạt doanh thu 30 tỷ USD vào năm 2017, trở thành một “thỏi nam châm” đối với những hãng sữa lớn của thế giới như Danone, Mead Johnson hay Fonterra.

Trong mấy năm trở lại đây, Trung Quốc siết chặt quản lý chất lượng sản phẩm và các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sữa bột công thức dành cho trẻ em.

Hầu hết các nhà sản xuất sữa bột công thức nước ngoài tại Trung Quốc đã bị nhà chức trách nước này xử phạt vì hành vi thao túng giá cả trong năm 2013. Ngoài ra, các hãng sữa còn bị điều tra về hành vi hối lộ bác sỹ để bán được nhiều hàng hơn.

Vụ bê bối sữa bột trẻ em Trung Quốc nhiễm melamine vào năm 2008 được coi là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử trong lĩnh vực này. Khi đó, một loạt loại sữa bột trẻ em do Trung Quốc sản xuất bị phát hiện nhiễm melamine - một loại hóa chất chỉ được dùng trong ngành công nghiệp, nếu đưa vào sữa sẽ làm tăng hàm lượng đạm giả tạo. Hơn 300.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi loại sữa này, trong đó có 6 em tử vong.

Theo đề xuất cấm quảng cáo sữa bột công thức cho trẻ em ở Trung Quốc, các công ty sữa, công ty quảng cáo và công ty phát hành vi phạm có thể bị phạt tới 1 triệu Nhân dân tệ, tương đương hơn 161.000 USD.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lên mức 50% trong thời gian từ nay tới năm 2020.

Phương Anh
Theo Reuters

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”