Trung Quốc cấm nhập hàng hóa Australia: Đe dọa đồng minh Mỹ?

Trung Quốc cấm nhập khẩu hàng hóa Australia bởi đối thủ phụ thuộc nhiều hơn vào họ, đồng thời Bắc Kinh cũng muốn cảnh cáo những đồng minh khác của Mỹ.

Trung Quốc bắt đầu đáp trả Australia

Hãng Bloomberg đưa tin rằng, trong bối cảnh quan hệ song phương trở nên căng thẳng hơn, Trung Quốc đã quyết định kể từ ngày 6 tháng 11 ngừng mua ít nhất bảy loại mặt hàng từ Australia.

Bắc Kinh sẽ trả thù đối tác thương mại quan trọng của mình thông qua các mặt hàng: Than, đồng, gỗ xẻ, lúa mạch, đường, rượu vang và tôm hùm. Trong khi đó, quặng sắt, mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Trung Quốc từ Australia lại không được đưa vào danh sách nói trên.

Quyết định này chưa chính thức ban hành, tuy nhiên việc cắt đơn hàng đã được thông báo cho tất cả các đối tác buôn bán lớn của Trung Quốc, ví dụ như ngay từ giữa tháng 10, một số doanh nghiệp và cảng của Trung Quốc đã tạm ngừng hoạt động liên quan đến việc nhập khẩu than của Australia. Từ tháng 9, hoạt động nhập khẩu than cũng đã giảm dần.

Trung Quốc là nước nhập khẩu than đá nhiều nhất của Australia - chiếm 27% lượng than luyện kim và chiếm 20% lượng than nhiệt của nước này. Trong năm 2019, than đá là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 của Australia sau quặng sắt đạt trị giá hơn 39,5 tỷ USD.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh có quan niệm rằng, ở Australia, các vấn đề thương mại bị chính trị hóa, chính quyền nước này đang hành động theo lệnh Mỹ trong Chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Do đó, động thái của Trung Quốc ngừng nhập khẩu than từ Australia được coi gọi là "hành động ép buộc kinh tế", ngừng mua than để trả đũa thương mại.

Theo bình luận của Bloomberg, đây là biện pháp mới mà chính quyền Trung Quốc gây áp lực đối với Australia, do nước này vào năm 2018 đã không cho phép Huawei lắp đặt mạng 5G, sau đó còn yêu cầu tiến hành cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc xuất hiện COVID-19.

Bắc Kinh trước đó đã đình chỉ mua thịt bò Australia và lúa mạch do nguyên nhân không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, sau đó tăng thuế đối với lúa mạch lên đến 80%, trì hoãn các chuyến hàng tôm hùm và cản trở việc nhập khẩu gỗ. Ngoài ra nước này còn tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu vang nhập từ Australia.

Trung Quốc cấm nhập hàng hóa Australia: Đe dọa đồng minh Mỹ? - 1

Mỹ dùng đòn trừng phạt Australia để cảnh cáo các đồng minh của Mỹ?

Vì sao Bắc Kinh mạnh tay với Canberra?

Các biện pháp trừng phạt nêu trên ảnh hưởng tương đối lớn đến Australia, vì Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Canberra, bởi Trung Quốc phải nhập khẩu từ Australia hơn 60% lượng quặng sắt, 60% lượng than cốc, gần 25% lượng than cung cấp cho các nhà máy điện và hơn 50% lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Năm ngoái, tổng cung hàng hóa từ Australia sang Trung Quốc là 104 tỷ USD, nếu cấm nhập khẩu các mặt hàng trên, Bắc Kinh cũng rất khó tìm được nguồn cung thay thế. Vậy tại sao Trung Quốc vẫn quyết định mạnh tay với một đối tác kinh tế khá quan trọng như Australia?

Theo nhận định của ông Richard McGregor, chuyên gia Trung tâm phân tích Lowy Institute ở Sydney, Trung Quốc muốn gây áp lực tối đa lên nước Australia để làm gương cho các nước khác đang “theo đuôi Mỹ” áp đặt các biện pháp trừng phạt hay hạn chế đối với Bắc Kinh.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước nhượng bộ trước sự thuyết phục của Mỹ nhằm ngăn cản Huawei tham gia phát triển mạng 5G, điều mà Trung Quốc không hài lòng. Ví dụ, sau khi chính quyền Thụy Điển thông qua quyết định tương tự, Bắc Kinh cam đoan sẽ gây khó khăn cho các công ty Thụy Điển ở Trung Quốc.

Do đó, hành động của Trung Quốc rõ ràng là muốn răn đe những đồng minh khác của Mỹ đừng nên hành động giống Australia.

Một nguyên nhân khác cũng được hé lộ vào hồi tháng 5 năm nay, thời điểm tờ “Thời báo Hoàn cầu” - một phụ bản của “Nhân dân Nhật báo” - cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cảnh cáo rằng, Australia nên giữ im lặng như Ấn Độ và đứng ngoài cuộc tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc để tránh bị tổn hại.

Thời báo Hoàn cầu viết, chính quyền Bắc Kinh sẽ có nhiều lý do hơn để đáp trả Australia nếu Canberra ủng hộ Washington trong cuộc Chiến tranh thương mại..

Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu số 1 của Trung Quốc trong khi Australia là thị trường thứ 14, chính Canberra phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh chứ không phải ngược lại. Do đó, nếu bị trừng phạt, Australia sẽ cảm thấy đau đớn hơn nhiều so với Mỹ.