Trung Quốc bất ngờ xây dựng “siêu sân bay” ở tỉnh nghèo Campuchia

(Dân trí) - Tỉnh Koh Kong thuộc vùng nông thôn phía Tây Nam Campuchia vốn không được biết đến, nhưng mới đây thu hút sự chú ý đặc biệt của quốc tế khi Trung Quốc đầu tư một dự án sân bay quy mô lớn. Giới chức Mỹ cho rằng, sân bay này được xây dựng vì mục đích quân sự.

Sân bay cực lớn tại tỉnh nghèo

Koh Kong với dân số khoảng 100.000 người - là tỉnh cực nam của Campuchia. Ngoại trừ nông nghiệp và thủy sản, tỉnh này không có ngành công nghiệp cao cấp khác.

Năm 2008, Chính phủ Campuchia đã ký thỏa thuận cho Tập đoàn Liên minh Trung Quốc thuê mảnh đất hướng ra biển trong 99 năm. Theo đó, một khách sạn 5 sao, sân golf, khu hỗn hợp, sân bay quốc tế và các cơ sở khác sẽ được xây dựng trên khu đất rộng 450 km2, một cảng nước sâu có thể tiếp nhận những con tàu lớn.

Trung Quốc bất ngờ xây dựng “siêu sân bay” ở tỉnh nghèo Campuchia - 1
Một đường băng dài bí ẩn đã đột ngột xuất hiện dưới sự xây dựng của một công ty Trung Quốc ở Campuchia

Tại đây, ột đường băng khổng lồ kéo dài 3.200m đột nhiên xuất hiện tại một khu nghỉ dưỡng đang được phát triển bởi một công ty Trung Quốc ở tỉnh nghèo này, cách thủ đô Phnom Penh của Campuchia khoảng 6 giờ lái xe.

Dự án sân bay thu hút sự chú ý đặc biệt mạnh mẽ của quốc tế vì quy mô đáng kinh ngạc. Khoảng hơn 2 tháng trước, đường băng mới đã gần hoàn thành, chiều dài đường băng này đủ dài để các máy bay chở khách siêu lớn như Airbus 380 cất-hạ cánh.

Hiện nay, nhà ga bên đang được tiến hành xây dựng. Theo kế hoạch, sân bay này sẽ khai trương vào năm 2020 và có khả năng đón tới 10 triệu khách/năm.

Đáng nói, đường băng sân bày này dài hơn cả đường băng 3.000m tại sân bay quốc tế Phnom Penh và dài hơn đường băng 2.500m tại sân bay ở Xiêm Riệp - một địa điểm du lịch nổi tiếng do nằm gần khu phức hợp Angkor Wat.

Trong khi đó, tiếp giáp với biên giới Campuchia là sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok - Thái Lan có đường băng dài 3.700m và sân bay Tân Sơn Nhất ở TPHCM - Việt Nam có đường băng dài 3.048m.

Theo người dân địa phương, để đến địa điểm xây dựng sân bay phải di chuyển qua Vườn quốc gia Botum Sakor. Vào giữa tháng 8, nhiều xe tải chở vật liệu tới khu vực xây dựng sân bay này. Những biển chỉ dẫn mới đươc lắp chỉ đường đến sân bay được viết bằng ba ngôn ngữ: Tiếng Khmer (ngôn ngữ chính của Campuchia), tiếng Trung Quốc và tiếng Anh.

Năm ngoái, giới chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc sử dụng đường băng sân bay này cho mục đích quân sự, tuy nhiên Campuchia đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm của phía Mỹ.

Trung Quốc bất ngờ xây dựng “siêu sân bay” ở tỉnh nghèo Campuchia - 2
Biển chỉ dẫn tói đường băng bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Khmer, tiếng Trung và tiếng Anh

Campuchia - “mục tiêu” của các nước lớn

Mặc dù dự án sân bay do Trung Quốc xây dựng tại Campuchia có quy mô rất lớn nhưng dường như đã nhận được chấp thuận của Chính phủ nước này mà không qua kiểm tra trước xem liệu có thể sinh lãi hay không.

Năm ngoái, giới chức Mỹ đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc sử dụng đường băng sân bay này cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, Campuchia đã thẳng thừng bác bỏ quan điểm của phía Mỹ.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, việc cho phép một căn cứ quân sự nước ngoài được thành lập ở Campuchia sẽ là trái với hiến pháp. Vấn đề cũng đã tạo ra sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ và Campuchia.

Về phía Trung Quốc, nước này đã mất nhiều năm để xây dựng các hòn đảo ở Biển Đông và đặt các căn cứ quân sự tại đây. Trung Quốc cũng đã đặt các cơ sở hạ tầng ở Sri Lanka và Maldives - “điểm nóng” của Ấn Độ Dương.

Ông Paul Chambers - một nhà phân tích chính trị tại Đại học Naresuan, Thái Lan - cho biết: “Mục đích của sân bay có thể gây ra nhiều ảnh hưởng trên khắp châu Á”.

Hiện nay, người dân tỉnh Koh Kong hoang mang về những thông tin liệu sẽ có một cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở sân nhà của họ hay không. “Đây là một khu vực không có tín hiệu điện thoại di động, nhưng giá đất hiện nay đắt gấp 10 lần so với 2-3 năm trước” - một nông dân 39 tuổi nói.

Một người đàn ông địa phương khác cũng cho biết: “Không có ích gì khi thảo luận về những điều trong tương lai. Nhiều người nghĩ rằng nếu họ trở nên giàu có, mọi thứ sẽ ổn, nhưng thực sự có phải vậy không?”

Campuchia từng được coi là quốc gia thân Trung Quốc nhất ở Đông Nam Á và không phải là lần đầu quốc gia Đông Nam Á với 16 triệu dân bị cuốn vào sự thù địch giữa các siêu cường.

Một nhà báo sống ở Phnom Penh nói rằng người dân Campuchia thực sự không muốn bị cuốn vào trò chơi của những “ông lớn”.

Trung Quốc là nguồn sống Campuchia?

Hồi tháng 6, tại thành phố cảng phía Nam Sihanoukville, cách Koh Kong khoảng 4 giờ lái xe, một tòa nhà 7 tầng đang xây dựng bị sập, làm 28 người chết, tất cả là người Campuchia. Nguyên nhân được xác định là vì một công ty Trung Quốc đã sử dụng các phương pháp xây dựng kém chất lượng.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tới hiện trường vụ việc. Trong nỗ lực trấn an tình trạng bất ổn của người địa phương, ông tuyên bố rằng gia đình nạn nhân sẽ nhận được một khoản thanh toán chia buồn và những người bị thương sẽ được điều trị y tế miễn phí.

Tuy nhiên, sự việc nói trên đã khiến người dân Campuchia băn khoăn về ảnh hưởng của Trung Quốc đang diễn ra tại đất nước của họ.

Trung Quốc bất ngờ xây dựng “siêu sân bay” ở tỉnh nghèo Campuchia - 3
Một tòa nhà bảy tầng đang xây dựng bị sập, làm 28 người chết, tất cả là người Campuchia. Thảm kịch này xảy ra nguyên nhân vì một công ty Trung Quốc đã sử dụng các phương pháp xây dựng kém chất lượng

Thành phố Sihanoukville là nơi có nhiều sòng bạc và khách sạn có biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc. Trong số dân khoảng 300.000 người của tỉnh thì có 1/3 được cho là người Trung Quốc. Khoảng 95% trong số 436 nhà hàng ở Sihanoukville và 150 trong số 156 khách sạn của thành phố được cho là do Trung Quốc tài trợ.

“Thị trấn đã bị Trung Quốc chiếm đóng” - một nhân viên khách sạn ở Sihanoukville nói và cho rằng “nhưng chúng tôi không thể làm gì khác, vì họ là nguồn sống của chúng tôi”.

Một thống kê cho thấy, kể từ đầu 2019, hơn 1.000 người Trung Quốc đã bị bắt vì buôn bán ma túy và các hoạt động phi pháp khác ở Campuchia. Mặc dù vậy, không có dấu hiệu về sự phản ứng mạnh mẽ chống lại Trung Quốc ở Campuchia.

Thùy Dung

Theo Nikkei