Trump chuyển từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đã mở màn cho các cuộc chiến thương mại kinh tế toàn cầu. Bây giờ có những dấu hiệu rằng ông cũng có thể chuẩn bị cho một cuộc chiến tiền tệ tiếp theo

Trump chuyển từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ - 1
Donald Trump. Ảnh: Marco Bello/Bloomberg

Với một loạt các thông báo vào thứ ba nhằm vào Ngân hàng Trung ương Châu Âu và trả lời thông báo của Mario Draghi, chủ tịch của ngân hàng Châu Âu, về việc Châu Âu sẵn sàng cắt giảm lãi suất xuống dưới 0% để ứng phó với sự tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, Trump có thể trở thành tổng thống Mỹ hiếm hoi trong lịch sử can thiệp vào chính sách tiền tệ.

“Mario Draghi vừa tuyên bố sẽ sử dụng nhiều kích thích hơn vào nền kinh tế, điều này ngay lập tức sẽ khiến Euro giảm giá so với Dollar, khiến Châu Âu dễ dàng cạnh tranh với Mỹ hơn”, Trump đã đăng trên đã twitter. Sau đó, ông nói thêm: “Chỉ số chứng khoán DAX của Đức đã tăng lên sau thông báo của Mario Draghi. Điều này là rất không công bằng với Hoa Kỳ!”

Đây không phải là lần đầu tiên Trump đổ lỗi cho việc thao túng tiền tệ ở các quốc gia nước ngoài, khiến đồng đồng đô la mạnh và làm tăng chi phí xuất khẩu của Hoa Kỳ.

Trump đã nhắm trực tiếp vào Draghi và thông báo đáp trả về chính sách tiền tệ của Châu Âu, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang của Hoa Kì đang tập trung tại Washington để quyết định lãi suất trong trong thời gian tiếp theo, đồng thời chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh với Nhóm G20 ở Nhật Bản, Trump đang thể hiên rằng “một chính sách tiền tệ hung hăng” có thể là vũ khí ông dùng tới trong cuộc chiến tiếp theo.

Cesar Rojas, nhà kinh tế toàn cầu tại Citigroup Global Markets Inc, cho biết “ Mỹ đang chuẩn bị các công cụ tiềm năng mà họ có thể có” , “có thể sẽ có một cuộc chiến tiền tệ”

Các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương trong tháng này đã đồng ý rằng một cuộc chiến tiền tệ để chủ động làm suy yếu tỷ giá hối đoái và thúc đẩy xuất khẩu vào thời điểm kinh tế đang tăng trưởng chậm như này, là điều không ai mong muốn.

Tháng trước, Kho bạc Hoa Kỳ đã tăng số lượng nền kinh tế mà họ coi là có “tiềm năng thao túng tiền tệ” từ 12 lên tới 21 và mở rộng danh sách theo dõi từ bốn lên chín quốc gia, thêm các nước như Ireland, Ý và Singapore. Nền kinh tế được Hoa Kì coi là thao túng tiền tệ phải chịu sự trừng phạt.

Bộ Thương mại vào ngày 23 tháng 5 đề xuất cho phép các công ty Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp trừng phạt thương mại đối với hàng hóa từ các quốc gia được coi là “thao túng tiền tệ”, mặc dù cho biết họ không có ý định nhắm mục tiêu trực tiếp vào các ngân hàng trung ương độc lập hoặc các quyết định chính sách tiền tệ của quốc gia đó.

Có rất nhiều nhà kinh tế Hoa Kỳ cho rằng nước này nên có cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để giải quyết sự “thao túng tiền tệ” của các đối tác thương mại khác.

Trong một bài báo phát hành tuần này, Brad Setser, cựu quan chức Bộ Tài chính Hoa Kỳ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã lập luận rằng chống lại việc “thao túng tiền tệ” của các nước khác nên là ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế quốc tế của Hoa Kỳ. “Sự thao túng tiền tệ của các nước khác làm tổn thương tới thương mại của Mỹ, tác động tiêu cực đến sự phục hồi của quốc gia này sau những suy thoái kinh tế”, ông viết.

Tuy nhiên ông cũng nói rằng: “Hầu hết mọi người trên thế giới đều nhận ra rằng Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB đã không đạt được mục tiêu lạm phát đã đưa ra và với nền kinh tế châu Âu đang chậm lại, có áp lực buộc ECB phải nới lỏng chính sách tiền tệ. Sự can thiệp của Trump có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn”

Trump đã bất chấp quy ước của Hoa Kì, ông cũng liên tục chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell vì tăng lãi suất. Ông đã yêu cầu các luật sư của Nhà Trắng đầu năm nay làm việc để loại bỏ Powell khỏi chức chủ tịch.

Joseph Gagnon, một thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và là người ủng hộ chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ, cho biết thế giới đang ở trong một nền hòa bình khó chịu “Sự thao túng tiền tệ của các quốc gia khác làm suy yếu đồng tiền của họ và khiến cán cân thương mại của Hoa Kì giảm trong năm 2018 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001.”

Trump có thể có một số lý do chính đáng để gây hấn. Đồng Euro đang được định giá quá rẻ so với thực tế. Kể từ khi Trump phát động chiến tranh thương mại, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm so với đồng USD, khiến suy yếu tác động của thuế quan và đi ngược lại mục tiêu tăng áp lực của ông đối với Bắc Kinh.

Theo Jens Nordvig, người sáng lập Exante Data LLC, việc tỉ giá đồng Euro so với Đô la giảm xuống dưới 1,10 có thể khiến Trump tức giận và khiến ông có nhiều khả năng sẽ đưa ra các động thái cho một cuộc chiến tiền tệ mới. Tỷ giá hiện nay đã giảm xuống mức thấp nhất là 1,1181 vào thứ Ba vừa qua.

Vũ Huy Hoàng

Theo Bloomberg