Trụ sở Uber tại Trung Quốc bị nhà chức trách “ghé thăm” và khám xét
(Dân trí) - Uber, ứng dụng vận chuyển hành khách theo kiểu chia sẻ xe, đang chịu nhiều áp lực tại Trung Quốc, khi trụ sở của hãng tại hai thành phố lớn ở quốc gia này là Thành Đô và Quảng Châu đã liên tục bị các nhà chức trách “ghé thăm” và khám xét.
Các nhà chức trách Trung Quốc, bao gồm đại diện cơ quan giao thông vận tải đại phương, các phòng ban an toàn giao thông và thậm chí cả cảnh sát... đã “ghé thăm” trụ sở của Uber tại thành phố Quảng Châu vào ngày 30/4 và tiếp theo là trụ sở tại thành phố Thành Đô vào ngày 6/5.
Mặc dù đại diện của Uber tại Trung Quốc khẳng định rằng đây chỉ là một “chuyến ghé thăm thường lệ”, tuy nhiên những hình ảnh được chụp lại cho thấy các nhà chức trách đang tiến hành khám xét văn phòng của Uber và thu thập các tài liệu của dịch vụ này.
Những hình trụ sở của Uber tại Trung Quốc bị nhà chức trách khám xét
Theo nhận xét của truyền thông Trung Quốc, động thái này của các nhà chức trách nước này liên quan đến các chính sách không khoan nhượng của Trung Quốc đối với các tài xế lái xe taxi không có giấy phép kinh doanh, mà chính quyền Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ Uber vi phạm quy định bằng cách cho phép những tài xế lái xe này tham gia dịch vụ của mình.
Đại diện của cơ quan Giao thông vận tải Thành Đô cho biết lý do chính thức đằng sau những cuộc ghé thăm trụ sở của Uber là để thu thập thông tin và cho biết dịch vụ Uber tại thành phố này vẫn đang hoạt động bình thường. Theo các nguồn tin, nhiều điện thoại và máy tính tại văn phòng Uber ở Quảng Châu và Thành Đô đã bị niêm phong.
Phía Uber cho biết hoạt động của hãng tại Trung Quốc vẫn được tiến hành bình thường và không bị ảnh hưởng bởi vụ việc.
Hồi đầu năm nay, Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã kêu gọi một đạo luật chặt chẽ hơn để xử phạt những tài xế lái taxi không có giấy phép, đặc biệt kiểm soát chặt hơn các ứng dụng gọi taxi tại Trung Quốc, trong đó có Uber.
Bên cạnh đó, theo nhiều nhà phân tích nhận định động thái gây khó dễ với Uber là nhằm tạo điều kiện cho 2 ứng dụng tương tự Uber, Didi Dache và Kuadi Dache, được hậu thuẫn bởi 2 hãng thương mại điện tử lớn của Trung Quốc là Tencent và Alibaba, có điều kiện để “vượt mặt” Uber tại thị trường Trung Quốc.
Uber hiện có mặt tại hơn 250 thành phố trên toàn cầu, tuy nhiên dịch vụ này cũng gặp phải không ít rắc rối pháp lý tại những thị trường mà mình đang hoạt động, bao gồm Ấn Độ, Tây Ban Nha, Thái Lan và thậm chí ngay tại quê nhà Mỹ. Uber cũng đã bị cấm tại không ít các quốc gia vì những rắc rối về dịch vụ này, chủ yếu là việc khó kiểm soát chất lượng dịch vụ cũng như giấy phép hoạt động của các tài xế...
T.Thủy