Trong thế giới ngầm buôn hộ chiếu giả
Chỉ mất 2 ngày để chỉnh sửa và thêm vào một tấm hộ chiếu “xịn” thông tin nhận dạng mới, hoặc làm giả hoàn toàn hộ chiếu.
Giấy tờ nhận dạng giả được rao bán như hàng lưu niệm ở đường Khao San, Bangkok. Cảnh sát nói rằng đây là một trong những điểm nóng về hộ chiếu giả.
Vụ mất tích chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines đang diễn ra có một chi tiết gây chú ý: 2 hành khách lên máy bay đã sử dụng hộ chiếu đánh cắp từ các công dân châu Âu. Sự kiện khiến người ta phải giật mình vì công tác kiểm soát hộ chiếu lỏng lẻo, đồng thời cho thấy hộ chiếu giả đã trở thành vấn đề không thể xem nhẹ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
2 ngày và 800USD
Trong nỗ lực cho thấy làm giả hộ chiếu giờ dễ dàng như thế nào, phóng viên tờ Telegraph của Anh đã liên lạc với một số cơ sở hoạt động trái phép ở Trung Quốc có cung cấp dịch vụ này. Thông tin tờ báo thu được là chỉ mất 2 ngày để chỉnh sửa và thêm vào một tấm hộ chiếu “xịn” thông tin nhận dạng mới, hoặc làm giả hoàn toàn hộ chiếu.
“Chúng tôi hoạt động trên nguyên tắc luôn đặt khách hàng lên trước” - một cơ sở có tên Hộ chiếu Hongyu nói trong thông báo đưa ra trên mạng Internet - “Tất cả các máy in của chúng tôi đều là hàng nhập khẩu và tốn kém tới 100.000 NDT (16.000USD) mỗi máy. Đừng tin những nơi khác. Không có gì gọi là bữa trưa miễn phí cả, đặc biệt là ở trong một thị trường màu xám (ý nói rằng hoạt động làm giả hộ chiếu nằm giữa ranh giới lương thiện và phạm pháp)”.
Khi được liên hệ, một người đàn ông ở Hộ chiếu Hongyu có họ Liu nói rằng với chỉ 800USD, ông này có thể bán cho khách hàng một tấm hộ chiếu giúp vào Liên minh Châu Âu rất dễ dàng. “Tôi thường dùng hộ chiếu thất lạc hoặc đánh cắp để làm giấy tờ giả. Thông thường chuyện sẽ ổn thỏa. Nhưng tôi không thể đảm bảo anh sẽ có sự an toàn tuyệt đối khi đi qua các điểm kiểm soát của hải quan” - Liu nói.
Khi phóng viên ngỏ ý đặt mua, Liu đã yêu cầu đặt trước khoảng 200USD, kèm theo ảnh, thông tin ngày tháng năm sinh và ngày phát hành hộ chiếu. “Sẽ phải mất 2 ngày để làm hộ chiếu và anh sẽ gửi toàn bộ số tiền cho tôi qua ngân hàng, trước khi chúng tôi gửi lại giấy tờ cho anh” - Liu nói.
Một cơ sở khác mang tên “Công ty hộ chiếu và visa giả” thậm chí công khai quảng cáo việc bán các giấy tờ thông hành giả hoàn toàn, hoặc hộ chiếu thật đã chỉnh sửa thông tin. “Nếu anh cung cấp đầy đủ thông tin cho chúng tôi để sao chép một tấm hộ chiếu, chi phí sẽ rất rẻ” - một người đàn ông tên Li ở công ty này cho Telegraph biết - “Nhưng nếu chúng tôi dùng danh tính của người khác, chi phí sẽ đắt hơn nhiều, dù sản phẩm thu được cũng an toàn hơn nhiều”.
Li tiếp tục ra giá: “Với một tấm hộ chiếu Mỹ có đóng visa châu Âu trong đó, anh sẽ phải bỏ ra 25.000NDT (4.000USD). Hiển nhiên, chúng tôi không thể đảm bảo việc anh sẽ không bị tóm”. Theo Frontex, cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu, số hộ chiếu giả được sử dụng để đi vào châu lục đã tăng nhanh. Trong báo cáo quý gần đây nhất, Frontex nói rằng lượng hộ chiếu giả được tìm thấy đã tăng 61%, với 170 vụ được phát hiện mỗi tháng.
Kinh đô làm hộ chiếu giả
Vấn đề nằm ở chỗ, Trung Quốc chưa phải trung tâm làm hộ chiếu giả lớn nhất. Danh hiệu “kinh đô” hộ chiếu giả của thế giới phải thuộc về Thái Lan, cũng là nơi đã tạo ra 2 tấm hộ chiếu giả được dùng trên chuyến bay MH370.
Các băng làm hộ chiếu giả thích hoạt động ở Thái Lan, vì nơi đây có đông du khách châu Âu, Mỹ và Australia tới nghỉ ngơi mỗi năm. Tuy nhiên, cuộc phỏng vấn của tờ Bangkok Post thực hiện với Cơ quan điều tra Thái Lan cho thấy, đất nước này còn thu hút bởi người ta dễ nhập và xuất cảnh. Quan trọng hơn, một số quan chức Thái Lan không xem việc làm giả hộ chiếu nước ngoài là tội nghiêm trọng.
Hoạt động làm giả hộ chiếu được cho là bắt nguồn từ đầu những năm 1980, khi các băng tội phạm Thái tuyển dụng nhiều nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên du lịch và cả gái mại dâm đánh cắp không chỉ séc và tiền mà còn cả hộ chiếu của du khách. Không có hộ chiếu, người ta sẽ không thể rút tiền từ séc. Khi những tấm thẻ tín dụng bắt đầu thay thế cho séc, chúng mới chuyển sang kinh doanh hộ chiếu giả chuyên nghiệp.
Khách hàng của các băng tội phạm này cũng thường là những kẻ chẳng sạch sẽ gì. “Những người sử dụng các giấy tờ thông hành và hộ chiếu giả này thường là khủng bố, những kẻ trốn chạy, người chuyển, rửa tiền hoặc mở tài khoản ngân hàng trái phép” - đại tá Chote Kuldiloke, người giám sát hoạt động điều tra hộ chiếu giả tại Cục cảnh sát di trú của Thái Lan cho biết.
Các hộ chiếu bị làm giả nhiều nhất thường thuộc về Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha do chúng dễ bị sao chép, làm nhái. Hồi tháng 3.2004, cảnh sát Thái đã thu 353 tấm hộ chiếu giả dạng này từ một kẻ đưa hàng người Hy Lạp đang trên đường từ Thái Lan tới London (Anh). Họ cũng thu được 100 tấm hộ chiếu giả từ 1 người Tây Ban Nha và 1 người Hà Lan đã cố bán các giấy tờ giả này trong tháng 2.2005 cho một viên cảnh sát chìm ở Bangkok. Thêm 452 tấm hộ chiếu giả khác được thu từ Mahieddine Daikh - một người Anh gốc Algeria đang định đưa “hàng” tới London vào đầu tháng 8.2005. Các tấm hộ chiếu này trông rất giống đồ thật và chỉ có chi phí chừng 25-50USD. Người ta thường dùng chúng để mở tài khoản ngân hàng hoặc thuê nhà.
Tuy nhiên người ta khó có thể dùng chúng để qua các điểm vận chuyển quốc tế như sân bay, do công nghệ chống hộ chiếu giả được trang bị càng ngày càng hiện đại. Để lọt qua các cửa ải này, tội phạm dùng hộ chiếu “xịn” bị đánh cắp hoặc thất lạc.
Rất nhiều tấm hộ chiếu “xịn” dạng này được lấy từ hàng triệu du khách nước ngoài ghé thăm Thái Lan mỗi năm. Họ có thể mất hộ chiếu do đánh rơi, do để quên hoặc bị lấy trộm. Đã có những vụ tội phạm Thái Lan thuê phòng trong các khách sạn rẻ tiền, an ninh kém, nơi có đông khách du lịch bụi phương Tây sinh sống để tiện đột nhập vào các phòng khách lấy tài sản và hộ chiếu.
Ngoài ra còn phải tính tới việc một số tấm hộ chiếu “xịn” bị chính du khách bán ra chợ đen khi thiếu tiền. Một du khách người Pháp 24 tuổi giấu tên cho BBC biết rằng, anh đã được một người Iran ăn mặc chỉn chu tiếp cận và hỏi mua tấm hộ chiếu của mình với giá 240 USD. Anh nói rằng, người đàn ông này ở cùng một nhà trọ nơi anh đang sống tại đường Khao San ở Bangkok. Đường Khao San là quận tập trung đông dân du lịch bụi, cũng được cảnh sát Thái Lan đánh giá là điểm buôn bán hộ chiếu chợ đen lớn. “Một số người phương Tây đã bán hộ chiếu của họ lấy 500USD để có tiền tươi chi tiêu, sau đó báo cáo rằng hộ chiếu bị đánh cắp. Vì thế, chống lại tình trạng này là rất khó” - ông Chote cho biết.
Bậc thầy làm giả
Các tấm hộ chiếu “xịn” sau đó sẽ được chuyển cho một chuyên gia chỉnh sửa thông tin. Kẻ này hoặc sẽ thay đổi ảnh trong hộ chiếu, trang chứa thông tin về dữ liệu nhận dạng hoặc toàn bộ ảnh và các thông tin quan trọng. Song thứ giá trị nhất thường là các dấu thị thực nằm ở bên trong.
Cảnh sát Thái từng kết hợp với một người đàn ông Pakistan giả dạng khách mua hàng để bắt chuyên gia chỉnh sửa thông tin hộ chiếu Sabananthan Kanagasabai. Gã này luôn mang theo tấm hộ chiếu Sri Lanka thật của mình, bên cạnh ít nhất 4 tấm hộ chiếu giả khác với 3 từ Ấn Độ và 1 từ Canada.
Sabananthan Kanagasabai là bậc thầy về chỉnh sửa hộ chiếu, dù gã chỉ “chế tác” thông tin giả bằng các vật dụng đơn giản như máy sấy, kéo, máy ép plastic, kìm dập lỗ và một chiếc máy tính đặt bàn. Tất cả các công cụ này được đặt trong căn hộ trông xoàng xĩnh của gã ở Bangkok. Khi lục soát, cảnh sát tìm thấy trong căn hộ 73 tem thị thực và nhập cư giả từ khắp nơi trên thế giới, gồm tem do các tòa lãnh sự Đức, Pháp, Áo... đặt ở Thái Lan và Indonesia cấp. Họ cũng thu giữ 255 tấm hộ chiếu từ 33 nước khác nhau, chủ yếu là châu Âu và châu Á.
Sabananthan Kanagasabai thường chuyển hộ chiếu giả qua dịch vụ của hãng FedEx, trong các khoang chứa bí mật nằm bên trong một cuốn sách trẻ em với tựa đề Nursery Rhyme Book của Beatrix Potter. Không giống hộ chiếu làm giả toàn bộ có giá rẻ mạt, một tấm hộ chiếu sử dung phôi “xịn” với visa “xịn” tới Mỹ hoặc Anh, thường khó làm giả bởi các biện pháp an ninh ngặt nghèo, có thể bán với giá tới 2.400USD. Một tấm hộ chiếu Anh đã thay ảnh cũng đạt giá 2.900USD.
Vấn đề là Sabananthan Kanagasabai không phải “nghệ nhân” làm hộ chiếu giả duy nhất. Quan chức Cơ quan điều tra đặc biệt Thái Lan (DSI) là Tinawut Slilapat từng nói với tờ The Big Chilli hồi năm 2012 rằng có khoảng 20 băng nhóm làm hộ chiếu giả rất mạnh đang hoạt động tại nước này, phần lớn nằm dưới sự lãnh đạo của các tên tội phạm tới từ Nam Á hoặc Trung Đông.
Các nhóm này làm đủ loại hộ chiếu giả và sẽ bán hết ra ngoài cho các tay tội phạm khác gây tội ác ngoài Thái Lan. Theo Tinawut, một tấm hộ chiếu dùng phôi “xịn” thường được bán với giá từ 1.500 - 3.000USD, tùy thuộc vào tình trạng, quốc tịch, số năm còn hạn. Hộ chiếu Anh, Italia, Tây Ban Nha và các hộ chiếu châu Âu khác có giá khoảng 1.000USD. Hộ chiếu Israel có giá từ 1.500 - 2.000USD, trong khi hộ chiếu Canada có giá tới 3.000USD.
“Nhu cầu hộ chiếu giả vô cùng lớn và lừa đảo danh tính là một công cụ để hỗ trợ các hoạt động phạm tội khác” - Tinawut nói - “Chúng ta đang đề cập tới một nguồn doanh thu béo bở cho các tổ chức tội phạm”.
Công cụ của khủng bố
Cảnh sát Thái Lan trước đây chỉ xem làm giả hộ chiếu là tội phạm lặt vặt. Nhưng dưới áp lực từ phương Tây sau các vụ khủng bố 11.9, giờ họ đã phải tiến hành nhiều hoạt động trấn áp, nhất là sau vụ việc có liên quan tới Hambali - kẻ chủ mưu đứng sau các vụ khủng bố Bali hồi năm 2002.
Hambali là thủ lĩnh nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah có quan hệ với Al-Qaeda. Hambali sở hữu một tấm hộ chiếu Tây Ban Nha giả làm từ phôi “xịn”, trong đó mô tả y là một doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên, y đã bị bắt cùng tấm hộ chiếu này khi tới thành phố Ayuthaya của Thái Lan vào tháng 8.2003. Cảnh sát sau đó bắt tiếp Mohammed Ali Hossain, quốc tịch Bangladesh - một chuyên gia làm giả giấy tờ đã cung cấp cho Hambali tấm hộ chiếu.
Được biết, cảnh sát từ 8 nước gồm Canada, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Nhật Bản, Australia và Mỹ đã tổ chức họp chung với Thái Lan mỗi tháng 1 lần tại Bangkok, chỉ để bàn về việc chống hộ chiếu giả.
Một viên cảnh sát châu Âu cho hãng tin BBC biết rằng, mình đã phải “nằm vùng” tại Bangkok trong 18 tháng qua. Ông không muốn tiết lộ tên tuổi, vì sợ bị tội phạm phát hiện danh tính. Theo ông, hộ chiếu giả từ Thái Lan bắt đầu gây vấn đề với đất nước mình từ 2-3 năm qua và đánh giá hộ chiếu giả giống như “cầu nối dẫn tới đủ loại tội phạm”.
“Thái Lan là đất nước nơi anh có thể mua những chiếc đĩa DVD, túi xách giả. Hộ chiếu chỉ là một phần của ngành công nghiệp làm giả đó, nếu nhìn từ một góc độ. Tư tưởng của những kẻ làm hộ chiếu giả cũng chẳng khác những tay làm đồng hồ Rolex dỏm. Chỉ là hoạt động kinh doanh thuần túy” - ông nói.
Interpol cho biết, hiện có 39 triệu tấm hộ chiếu bị mất đang nằm trong kho dữ liệu thống kê của cơ quan này. Tuy nhiên, chỉ có vài nước thường xuyên kiểm tra kho dữ liệu. |
Theo Gia Bảo