Trồng nho làm vang và giấc mơ mới của doanh nghiệp Việt
Ngày nay, người ta đã bắt đầu thấy hình ảnh những vườn nho vang phủ xanh trên dải đất miền Trung khô hạn, và người nông dân cũng đã quen dần với phong cách canh tác mới, cùng công nghệ làm nông hiện đại. Kết quả là những chai vang cao cấp thực sự mang hương vị Việt Nam đã hiện diện đều đặn hơn trên thị trường…
Hành trình ghi tên thương hiệu Việt trên“bản đồ vang” thế giới của Ladora Winery, nếu từng khiến nhiều người hoài nghi thì nay, đã hiện thực hóa được nền tảng quan trọng nhất để bắt đầu giai đoạn phát triển nhanh và bền vững. Đây là một câu chuyện thú vị về những doanh nghiệp Việt dám “mơ”.
Ngành làm vang Việt Nam: Từ không đến có
Rất nhiều báo cáo cho thấy Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường lý tưởng của châu Á cho rượu vang. Ngoài số lượng lớn được nhập khẩu từ các “cường quốc rượu vang”, thị trường đã có bóng dáng của một vài thương hiệu vang nội địa. Tuy nhiên, trước câu hỏi: “Liệu có hay không rượu vang Việt Nam đích thực?”; mà lâu nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Bởi lẽ, về căn bản, công nghệ và vùng nguyên liệu để làm nên các loại vang mang hương vị đặc trưng địa phương không được nghe nói tới nhiều.
Từ nhiều năm trước đây, nền tảng của ngành làm vang Việt Nam hầu như không có gì. Nhập khẩu nguyên chai, hoặc nhập khẩu vang nước để đóng chai tại Việt Nam và những cố gắng chen chân ở phân khúc phổ thông giá rẻ là những gì người ta thường nghĩ đến về vị thế của những doanh nghiệp có liên quan đến ngành.
Thế nhưng, cách nay một thế kỷ, người Pháp đã từng có tham vọng xây dựng ngành làm vang tại Việt Nam với nhà máy làm vang đầu tiên đặt tại Đà Lạt. Có nghĩa rằng, trong quan sát và đánh giá của những người đến từ quê hương của vang, ở Việt Nam, có đầy đủ cơ sở để phát triển lĩnh vực này.
Mặt khác, trước nhu cầu tiêu thụ đang gia tăng của thị trường, làm vang thương hiệu Việt không chỉ là cơ hội kinh doanh, mà còn mang nhiều ý nghĩa về văn hóa xã hội, và văn hóa ẩm thực mang tầm quốc tế. Cơ hội được tham gia vào bản đồ văn hóa ẩm thực thế giới.
Ladora Winery được thành lập trên những nhận định và tiền đề này. Đây là nhà làm vang Việt Nam được đầu tư chuyên nghiệp, hướng tới những dòng vang cao cấp, mở đường cho sự phát triển của ngành ngay trên đất nước và mang “giấc mơ” ghi tên thương hiệu Việt trên”bản đồ vang” toàn cầu.
Cơ hội thị trường, tinh thần kinh doanh và “giấc mơ” nghe có phần “táo bạo” trên đã thúc đẩy quyết tâm xây dựng thương hiệu bằng sự đầu tư dài hạn, mang tính cam kết và chiến lược kiến tạo nghiêm túc. Bắt đầu từ việc tìm kiếm, kế thừa những nền tảng, giá trị có sẵn, nâng niu những di sản hiếm hoi còn sót lại, đầu tư mạnh tay vào đào tạo nhân lực, sử dụng lực lượng chuyên gia tư vấn và trang bị công nghệ mới từ chính các cường quốc làm vang…
Nông dân địa phương đã quen thuộc với phương thức canh tác hiện đại
Nỗ lực đầu tư và triển khai quyết liệt đã giúp nhanh chóng hình thành nên nền tảng cho Ladora Winery. Những chai vang mang thương hiệu Chateau Dalat đã được tung ra thị trường trong sự chào đón của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng và giới thưởng ngoạn.
Tuy nhiên, lại vẫn câu hỏi: “Liệu có thể làm vang Việt Nam đích thực không?”
“Vang Việt Nam đích thực” là sản phẩm phải mang hương vị đặc trưng địa phương - vốn được quyết định bởi nguồn nho được tạo nên từ thổ nhưỡng, khí hậu đặc trưng của đất Việt. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng nhất để tuyên ngôn rằng “Việt Nam có thể làm vang đẳng cấp”; cũng là công đoạn đầu tư mà Ladora Winery quyết tâm và nỗ lực cao nhất.
Vườn nho vang và tương lai được xây từ gốc
Sau một quá trình phân tích và đánh giá chi tiết, vùng đất Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, được lựa chọn để phát triển vùng nguyên liệu làm vang của Ladora Winery.
Nho vang có đặc trưng không ưa nước, chịu hạn cao, chỉ cần khoảng 60% nhu cầu nước tưới so với cây nho ăn trái thông thường. Trong 1-2 năm đầu, cây nho vang chỉ cần được tưới nước ở mức cần thiết. Sau 3-4 năm, với đặc điểm có rễ cái dài- có thể lên đến 3m, cây sẽ cắm rễ sâu vào lòng đất, tự hút nước và dưỡng chất để sinh trưởng nên tần suất cần tưới nước giảm dần. Trước thời điểm thu hoạch khoảng 1 tháng, để tăng hàm lượng đường trong trái nho, hoàn toàn không cần tưới nước… Với những đặc điểm này, cây nho vang chính là lựa chọn phù hợp nhất để trồng trên vùng đất Ninh Thuận.
Nho Việt Nam để làm nên loại vang mang hương vị riêng biệt của Việt Nam.
Mặt khác, nhiều mẫu đất từ vùng nông nghiệp ở Ninh Sơn được gởi đến các phòng phân tích tại châu Âu cho thấy thành phần khoáng chất lý tưởng để tạo nên trái nho vang đạt chất lượng cao và cho hương vị đặc trưng. Và như thế, một vùng nông nghiệp vốn trước đây chỉ trồng mì, bắp ở Ninh Sơn đã được Ladora Winery đầu tư thành vùng chuyên canh nho vang chất lượng cao.
Từ đó, một mô hình làm nông nghiệp sạch, hiện đại được phối hợp giữa doanh nghiệp và nông dân địa phương một cách hài hòa. Doanh nghiệp quy hoạch, cải tạo đất, trang bị quy trình, công nghệ canh tác, cung cấp giống và hướng dẫn, kiểm soát quá trình canh tác. Người dân địa phương được đào tạo để theo kịp và dần làm chủ tập quán canh tác mới. Những vườn nho được đảm bảo về sản lượng, chất lượng và đầu ra…. Đây là giải pháp hoàn hảo cho vùng nông nghiệp vốn chỉ phấp phỏng dựa vào may rủi của thời tiết.
Với một chiến lược đầu tư lâu dài hướng tới mục tiêu 100 hecta, vùng nguyên liệu nho vang Ladora Winery dự kiến sẽ cho 2 vụ thu hoạch mỗi năm với năng suất 10 - 15 tấn/ hecta mỗi vụ. Nho vang của Ladora Winery đã được chứng minh đạt chất lượng để làm nguyên liệu cho rượu vang cao cấp theo chuẩn mực quốc tế.
Có thể nói, việc phát triển vùng trồng nho vang của Ladora Winery không chỉ có ý nghĩa trả lời cho câu hỏi: “Liệu có thể làm vang Việt Nam đích thực không?”, mà còn là đóng góp vào việc mang đến giải pháp nâng cao giá trị cho nông nghiệp địa phương. Không những thế, đây còn là một xem như một cam kết mạnh mẽ cho mục tiêu ghi dấu ấn trên “bản đồ Vang” thế giới của doanh nghiệp Việt.
PV