Trốn thuế: “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”?
(Dân trí) - Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), ý thức tham gia nộp thuế của người dân, danh nghiệp vẫn chưa cao và chưa đúng theo nghĩa “nộp thuế là quyền và nghĩa vụ”. Hàng loạt luật thuế bị lợi dụng và tình trạng trốn thuế, gian lận diễn ra phổ biến, bao gồm cả những doanh nghiệp lớn.
Đề cập đến vấn đề thu chi ngân sách tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo truy thu triệt để về thuế.
Ông Phương nhận xét, trên thực tế, ngành nào, lĩnh vực nào cũng đề nghị nâng mức chi đầu tư công nhưng ít ai đề nghị giải pháp để tăng thu thuế. Thuế là nguồn lực quan trọng của quốc gia, nhưng thời gian qua chỉ có ngành thuế, hải quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình còn hệ thống chính trị, xã hội tham gia chưa nhiều so với các nhiệm vụ khác.
Vì thế, cho dù ngành thuế, hải quan có nhiều cố gắng nhưng tình trạng trốn thuế, vi phạm luật thuế, gian lận thương mại còn xảy ra và ngày càng gia tăng, tính chất ngày càng tinh vi và phức tạp.
Theo đại biểu Phương, hiện tại, ý thức tham gia nộp thuế của người dân chưa cao và chưa đúng theo nghĩa “nộp thuế là quyền và nghĩa vụ”.
“Không ít cán bộ thuế bị chửi bới, bị mạt sát và đã có những đối tượng nộp thuế chống lại người thi hành công vụ, đánh trọng thương cả cán bộ thuế đang làm nhiệm vụ”, đại biểu tỉnh Quảng Bình cho hay.
Ông Phương cũng đánh giá, chính sách hoàn thuế tạm nhập tái xuất còn bị lợi dụng. Có những doanh nghiệp lớn, lợi nhuận cao nhưng trốn thuế. Về thuế VAT, trong nhiều trường hợp giao dịch người mua không lấy hóa đơn, người bán xuất hóa đơn theo đơn giá trị bán, nếu tính sơ bộ hàng năm, nhà nước thất thu thuế hàng chục ngàn tỉ đồng.
“Mỗi gia đình 1 năm chi khoảng 50 triệu đồng, còn nếu làm nhà cửa thì đến tiền tỉ nhưng ít khi lấy hóa đơn. Thất thu thuế rất lớn”, ông Phương dẫn chứng.
Cũng theo vị đại biểu này, nhiều doanh nghiệp làm ăn lớn liên tiếp mở rộng kinh doanh, mở rộng quy mô cửa hàng, nhưng cũng rất tinh vi trong việc lách luật, trốn thuế nên lợi nhuận nộp thuế rất thấp, điển hình như Metro.
Chính sách cho doanh nghiệp tự in hóa đơn vẫn còn nhiều kẽ hở, số hóa đơn in thêm chưa kiểm soát được nên có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp buôn bán hóa đơn, đặc biệt là doanh nghiệp đã giải thể, biến mất nhưng vẫn còn hiện tượng buôn bán hóa đơn.
Nợ đọng thuế lớn, có nhiều trường hợp không hề có khả năng để trả thuế, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp được cho phép thành lập quá dễ dãi, có nhiều chủ doanh nghiệp công bố phá sản rồi lại mở thêm các doanh nghiệp khác.
Thất thoát lớn nhất vẫn là thu thuế từ khai thác tài nguyên khoáng sản và một số nguồn thu khác do tác động của buôn lậu, gian lận thương mại, hàng nhái… Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương dẫn câu ngạn ngữ “Thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm” để nói về tình trạng trốn thuế, gian lận thuế hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh việc truy thu, ông Phương cũng đề nghị Chính phủ phải tập trung nguồn lực để nuôi dưỡng nguồn thu. Theo đó, vẫn còn nhiều chính sách bất cập khiến doanh nghiệp lâm vào phá sản, làm giảm nguồn thu. Ví dụ, giá thuê đất thiếu ổn định, có lúc đột ngột tăng cao khiến doanh nghiệp vào thế tiến thoái lưỡng nan, phá vỡ đề án, kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp, gây ra thua lỗ.
Bích Diệp