Trở về sau kỳ nghỉ lễ, bàng hoàng mất cả “triệu đô” trong tài khoản
(Dân trí) - Trở lại sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán tiếp tục chứng kiến tiền “bốc hơi” không ngừng trong tài khoản. Và đương nhiên, thiệt hại nhiều nhất chính là những người đang nắm giữ cổ phiếu với khối lượng lớn khi giá cổ phiếu trên sàn lao dốc không phanh.
Sáng nay (3/5), các chỉ số trên thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến đầy tiêu cực. Hoạt động các chỉ số hầu hết dưới ngưỡng tham chiếu. VN-Index có lúc về sát ngưỡng 1.000 điểm và tạm nghỉ tại mức 1.014,57 điểm, ghi nhận mất 14,51 điểm tương ứng 1,41%. Số mã giảm gấp 4 lần số mã tăng với 216 mã. HNX-Index giảm 0,84% với 111 mã giảm so với 33 mã tăng.
Thanh khoản thị trường vào khoảng 3.700 tỷ đồng cho thấy tình trạng nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường khá rõ ràng.
Trước đó, phiên hôm qua (2/5), lực cầu bắt đáy không đáng kể, cả phiên cũng chỉ có hơn 5.700 tỷ đồng giá trị cổ phiếu giao dịch trên sàn HSX và HNX cũng chỉ thu hút được chưa tới 700.000 tỷ đồng.
Chỉ số chính VN-Index phiên này đánh mất tới 21,18 điểm tương ứng 2,02%, đóng cửa tại ngưỡng 1.029,08 điểm với 185 mã trên sàn HSX giảm giá, gấp đôi số mã tăng. HNX-Index cũng mất 1,36% do 108 mã giảm và UPCoM Index mất 1,14%.
Có vẻ như kịch bản tăng nhẹ đầu phiên rồi bán cổ phiếu ồ ạt trong phiên chiều; một phiên hồi nhẹ rồi phiên sau lao dốc lặp đi lặp lại trong nhiều ngày qua đã khiến nhà đầu tư chán nản.
Với việc đoán sai đáy, không ít nhà đầu tư ngậm ngùi chấp nhận mất tiền. Chờ 3 phiên cổ phiếu về tới tài khoản và nếu đen đủi cả 3 phiên đều giảm thì nguy cơ mất gần 20% tài khoản là hiện hữu, tương ứng bỏ 1 tỷ đồng vào mã đó thì có thể mất đến 200 triệu đồng.
Anh Phú, một nhà đầu tư tại Đà Nẵng chia sẻ: “Thật may là tôi đã bán đúng đỉnh VN-Index, nhưng kiếm lãi với thị trường hiện tại rất khó. Đừng hy vọng ăn T+, nếu đã xuống tiền thì phải xác định đầu tư dài hạn, còn không thì hãy đứng ngoài thị trường”.
Với quan điểm “tiền mặt là vua”, nhà đầu tư này vẫn quyết định “ngâm” tiền trong tài khoản chứng khoán để chờ cơ hội mua vào. Trong khi đó, một bộ phận nhà đầu tư nhỏ lẻ đã phải tìm kiếm lợi nhuận bằng các hướng đi khác như tất toán để gửi tiết kiệm thay vì mạo hiểm mua cổ phiếu “sales”.
Trong khi đó, với những cổ đông lớn tại các doanh nghiệp, trong trường hợp cổ phiếu rớt giá sâu, họ không còn cách nào khác ngoài… nhìn tiền “bốc hơi” khỏi tài khoản.
Lấy ví dụ như sáng nay, cổ phiếu VJC tiếp tục giảm mạnh, mất 8.700 đồng/cổ phiếu (tương ứng 4,8%), đánh dấu phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Trong đó, chỉ riêng hôm qua và sáng nay, mã này đã giảm tới 16.100 đồng. Với sở hữu (cả trực tiếp và gián tiếp) 168,5 triệu cổ phiếu VJC, CEO của Vietjet Air – bà Nguyễn Thị Phương Thảo chấp nhận mất tới 2.713 tỷ đồng tính từ phiên hôm qua đến sáng nay.
Thực tế, cổ phiếu VJC đã giảm tới trên 21% trong vòng 1 tháng qua, điều đó cũng có nghĩa là khối tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng “bốc hơi” tương ứng.
Hay như cổ phiếu NVL sáng nay giảm sàn. Chỉ trong 4 phiên gần nhất thì mã này đã có 3 phiên sàn và một phiên rớt giá mạnh 5,4%. Tổng thiệt hại trong hai phiên hôm qua và sáng nay là 7.300 đồng và trong khoảng thời gian này, ông Bùi Thành Nhơn – Chủ tịch HĐQT Novaland “thủng túi” tới gần 1.400 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty Bất động sản Phát Đạt cũng mất gần 489 tỷ đồng do cổ phiếu giảm liền 2 phiên, mất 3.000 đồng.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chỉ số tiếp tục giảm sâu sau phiên “bulltrap” (bẫy tăng giá) trước đó. Xu hướng giảm vẫn đang phát triển mạnh với các phiên giảm mạnh xen kẽ các phiên tăng điểm nhẹ.
VDSC cho rằng, hai chỉ số đang ở vùng quá bán và sắp tiệm cận các ngưỡng hỗ trợ mạnh (1.000 với VN-Index và 115-116 với HNX-Index). Tại đây, có thể xuất hiện một nhịp phục hồi đáng kể và nhà đầu tư có thể tận dụng cho các giao dịch ngắn hạn.
Bích Diệp