1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trở thành nữ tỷ phú đô la sau vụ ly hôn đắt đỏ

(Dân trí) - Một nữ tỷ phú đô la vừa xuất hiện tại Trung Quốc sau khi được chia 3 tỷ USD trong một vụ ly hôn đắt đỏ nhất châu Á.

Ông Du Weimin, Chủ tịch của Công ty sản phẩm sinh học Shenzhen Kangtai, vừa phải chuyển 161,3 triệu cổ phiếu của công ty sản xuất vắc xin cho vợ cũ, bà Yuan Liping. Với số tài sản được chia sau khi ly hôn, bà Yuan đã đứng vào hàng ngũ những người giàu nhất thế giới. Với mức giá cổ phiếu đóng cửa hôm thứ Hai vừa qua, số cổ phiếu của bà Yuan được thừa hưởng trị giá khoảng 3,2 tỷ USD.

Mặc dù sở hữu trực tiếp số cổ phần này, song bà Yuan, 49 tuổi, đã ký hợp đồng uỷ quyền biểu quyết cho chồng cũ.

Bà Yuan, công dân Canada, hiện đang sinh sống tại Thâm Quyến, đã từng giữ chức Tổng giám đốc của công ty Kangtai từ tháng 5/2011 đến tháng 8/2018. Bà hiện đang là Phó Tổng giám đốc của công ty sinh học Minhai ở Bắc Kinh – công ty con của Kangtai. Bà Yuan tốt nghiệp khoa Kinh tế của Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tại Bắc Kinh.

Trở thành nữ tỷ phú đô la sau vụ ly hôn đắt đỏ - 1

Ông Du không phải là tỷ phú duy nhất phải trả giá khá đắt cho một vụ ly hôn. (Ảnh: Handout)

Cổ phiếu của Tập đoàn Kangtai đã tăng gấp đôi trong năm qua và tiếp tục đi lên kể từ tháng 2 năm nay khi tập đoàn này thông báo kế hoạch phát triển vắc xin chống lại virus corona. Giá trị thị trường của Kangtai hiện ở mức 13 tỷ USD, mặc dù giá cổ phiếu của hãng này đã giảm 3,5% hôm thứ Hai vừa qua sau thông tin về các điều khoản của vụ ly hôn.

Hiện giá trị tài sản ròng của ông Du đã giảm xuống còn khoảng 3,1 tỷ USD so với mức 6,5 tỷ USD trước khi phân chia tài sản, ngoại trừ số cổ phiếu mà ông đang cầm cố.

Theo bản cáo bạch của Kangtai phát hành năm 2017, ông Du, 56 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Giang Tây. Sau khi tốt nghiệp với chuyên ngành hoá học, năm 1987, ông bắt đầu công việc ở một phòng khám. Năm 1995, ông trở thành quản lý bán hàng cho một công ty sinh học. Năm 2009, Kangtai đã mua lại Minhai, công ty do ông Du sáng lập năm 2004, và sau đó ông đã trở thành chủ tịch của công ty sau khi hợp nhất.

Sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế Trung Quốc đã tạo nên tầng lớp những người giàu nhất của đất nước này. Và ông Du không phải là tỷ phú duy nhất phải trả giá đắt để được ly hôn. Năm 2012, bà Wu Yajun - người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc tại thời điểm - đó đã phải chuyển cổ phần trị giá khoảng 2,3 tỷ USD cho chồng cũ, ông Cai Kui – người đồng sáng lập của Tập đoàn Longfor Group Holdings.

Năm 2016, tỷ phú công nghệ Zhou Yahui cũng đã phải chi 1,1 tỷ USD cổ phiếu trong công ty trò chơi trực tuyến của mình – Công ty Công nghệ Kunlun Bắc Kinh – cho vợ cũ là bà Li Qiong sau một phán quyết của toà án dân sự.

Tuy nhiên, vẫn có những vụ ly hôn tiêu tốn khá nhiều thời gian của các tỷ phú. Hồi tháng 12 năm ngoái, vợ cũ của ông trùm người Hàn Quốc Chey Tae-won đã đệ đơn kiện đòi 42,3% cổ phần tại Tập đoàn SK Holdings với trị giá 1,2 tỷ USD. Nếu thắng kiện, vợ cũ của ông trùm này sẽ trở thành cổ đông lớn thứ hai của SK Holdings. Tuy nhiên, hiện vụ kiện này vẫn chưa phân hồi ngã ngũ.

Song đắt đỏ nhất trong lịch sử phải kể đến vụ ly hôn của vợ chồng tỷ phú Jeff Bezos và vợ cũ Mackenzie Bezos. Ông chủ của Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Amazon đã phải chia 4% cổ phần tại nhà bán lẻ trực tuyến này cho bà Mackenzie. Sau vụ ly hôn này, với số tài sản được chia là 48 tỷ USD, bà Mackenzie đã trở thành người phụ nữ giàu thứ 4 thế giới.

Nhật Linh

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm