"Trò bẩn" nghề gas: Thủ đoạn tinh vi, hậu quả khôn lường!

(Dân trí) - Ngoài việc sang chiết lậu tràn lan, thời gian qua thị trường gas ghi nhận thêm tình trạng bình gas của các nhà sản xuất bị làm giả bằng cách mài phần chữ dập nổi thương hiệu trên thân bình. Điều này có thể gây thảm họa khôn lường cho người sử dụng.

Kẻ gian đắc thắng, người tốt gian nan

 

Con số Hiệp hội gas Việt Nam vừa đưa ra cho thấy, dự kiến năm 2012 mức tăng trưởng của thị trường gas chỉ còn 5 - 6%, giảm một nửa so với mức bình quân khoảng 10 - 11% của các năm trước đó.

 

Tháng 10/2012, thị trường gas cũng chứng kiến sự rút lui của “ông lớn” Shell Gas sau nhiều năm kinh doanh và phát triển thương hiệu tại Việt Nam. Sự ra đi của Shell Gas, cũng giống như Mobil Unique Gas và BP trước đó, khỏi thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam đều có mẫu số chung: các DN này đã ngán ngẩm và “đầu hàng” trước vấn nạn gas giả, gas nhái tràn lan trên thị trường.

 

Còn nhớ, hồi tháng 5/2012, PC46 Công an tỉnh Đồng Nai đã mở chuyên án và triệt phá một đường dây làm gas lậu quy mô lớn, với hàng nghìn bình gas được sang chiết trái phép tinh vi, làm giả cả… tem chống hàng giả của các hãng gas có uy tín. Tuy nhiên, đây dường như là phần nổi nhỏ bé của tảng băng chìm.

 

Theo thống kê ước tính của Hiệp hội gas Việt Nam, có khoảng 30% số bình gas đang lưu hành trên thị trường là bình gas giả, gas nhái. Thủ đoạn sang chiết trái phép tập trung ở ba nhóm đối tượng: các đối tượng hoạt động chui lủi, các trạm sang chiết có giấy phép ủy quyền của các hãng kinh doanh gas lợi dụng “lá bùa” giấy phép để sang chiết lậu. Đáng lo ngại hơn, nhiều công ty kinh doanh gas cũng tổ chức làm “gas giả” bằng cách sang chiết lậu vào bình gas của các thương hiệu khác để tiết kiệm chi phí sản xuất bình.
 
Bình gas hợp pháp có chữ dập nổi thương hiệu trên vỏ bình (trái) và bình gas có dấu hiệu bị mài
Bình gas hợp pháp có chữ dập nổi thương hiệu trên vỏ bình (trái) và bình gas có dấu hiệu bị mài (phải)

 

Với lợi nhuận kinh khủng lên tới gần 100%, cộng với việc quản lý chưa hiệu quả của các cơ quan chức năng, tình trạng gas nhái gas lậu ngày càng gây nhức nhối trong ngành gas.

 

Năm 2009, Nghị định 107 của Chính phủ đã phần nào đẩy lùi tình trạng này, song thời gian gần đây tình trạng này lại tái diễn nghiêm trọng hơn và có nguy cơ “nhờn” quy định.

 

Hậu quả là các hãng gas lớn phải chịu thiệt cả về kinh tế lẫn uy tín, thậm chí nhiều DN đã tính đường chuyển nghề, đe dọa sự tồn vong của cả ngành hàng.

 

Về phía người tiêu dùng, do không có được thông tin nên đã vô tình “rước” quả bom nổ chậm về nhà, với sự rủi ro tiềm ẩn về nguy cơ cháy nổ gas mà thủ phạm không ai khác chính là gas giả, gas lậu.

 

Mài vỏ bình gas: Trò làm ăn thiếu nhân tính

 

Ngoài tình trạng sang chiết trái phép, gần đây thị trường gas ghi nhận một hành vi tinh vi và tiềm ẩn nguy hại gấp rất nhiều lần: việc mài vỏ bình để xóa thương hiệu gốc, tháo và gắn lại tai bình để làm giả thương hiệu.

 

Theo các hãng gas, tình trạng đáng báo động này xuất phát từ việc một số công ty sau khi thu đổi bình gas của các hãng khác dã tiến hành dùng máy mài bỏ phần chữ dập nổi trên đầu thân bình, tháo bỏ tai xách bình có chữ dập chìm của thương hiệu gốc, thay bằng tai bình mới có chữ dập chìm và chứng nhận kiểm định của thương hiệu mình.

 

Bằng cách này, các công ty làm ăn gian dối có thể hưởng lợi khoảng 200.000 đồng chi phí sản xuất mỗi bình gas. Với số lượng bình gas bị mài lên tới hàng triệu chiếc, số tiền mà các doanh nghiệp gas bị chiếm đoạt có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa quan trọng bằng ẩn họa đằng sau hành vi này.

 

Theo quy định tại TCVN, độ dày tối thiểu của vỏ bình là 2,16mm, và các hãng gas để bảo vệ thương hiệu của mình đã cho in dập nổi chữ trên mặt ngoài thân bình khi sản xuất, đồng thời sẽ dập chìm chữ tương ứng nhìn từ mặt trong thân bình. Điều này khiến độ dày thân bình được đảm bảo đồng nhất.
 
Chính thương hiệu in dập bên trong đã tố cáo chiếc bình gas bị mài và sơn thương hiệu mới
Chính thương hiệu in dập bên trong đã "tố cáo" chiếc bình gas bị mài và sơn thương hiệu mới

 

Với hành vi mài bỏ chữ dập nổi trên mặt ngoài, độ dày vỏ bình ở điểm bị mài vì thế chỉ còn hơn 1,3mm, gây nguy cơ mất an toàn tăng cao nhiều lần. Nếu theo đúng quy định, các bình gas bị mài sẽ không được lưu hành.

 

Một chiếc bình được mài, sơn lại và gắn tai thương hiệu mới nghiễm nhiên trở thành một bình gas thành phẩm với thương hiệu khác, mặc dù “dấu tích” của thương hiệu gốc vẫn còn in nguyên ở mặt trong thân bình.

 

Theo một đơn vị kinh doanh gas và sản xuất bình lâu năm: Gần chục năm trở lại đây, tất cả các công ty gas khi sản xuất bình đều dập nổi thương hiệu của mình ở mặt trên thân bình, do đó có thể nói các bình gas đang lưu hành hiện nay không có chữ in dập này thì đa phần đã bị mài như trên.

 

Tuy nhiên, việc hàn tai xách giả với thương hiệu mới, cộng với các thông số kiểm định in chìm trên tai xách này khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa. Cách duy nhất để phát hiện sự thật là… mổ xẻ mặt trong của bình, nơi thương hiệu chìm của doanh nghiệp sản xuất vẫn in nguyên. Tuy nhiên đó không phải là việc người tiêu dùng có thể làm được.

 

Thủ đoạn tinh vi này, cộng với sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng khiến tình trạng thật giả lẫn lộn trở nên phổ biến trong ngành gas, gây nhức nhối cho những nhà kinh doanh gas chân chính, và hơn hết là tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người tiêu dùng với những hậu quả đau lòng mà chúng ta đã được biết từ các vụ nổ gas trong thời gian qua.

 

Hồng Kỹ