Trịnh Xuân Thanh đã bị kê biên những tài sản gì?
Trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC, cơ quan điều tra đã kê biên một số tài sản của gia đình bị can này.
Cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra 2 vụ án kinh tế, tham nhũng liên quan đến bị can Trịnh Xuân Thanh. Vụ án thứ nhất là Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Công ty cổ phần Minh Ngân. Ở vụ án này, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị truy tố tội Tham ô tài sản.
Vụ án thứ hai là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh bị đề nghị truy tố cả hai tội danh trên.
Ở vụ án thứ nhất, Cơ quan điều tra cho rằng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Sinh, Đặng Sỹ Hùng, Đào Duy Phong là những người có quyền quyết định, có trách nhiệm quản lý tài sản là cổ phần của PVP Land tại Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương, đã thông đồng với các đối tượng liên quan, cùng với đối tượng môi giới là Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, với sự giúp đỡ của Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa và đại diện bên mua (Công ty Minh Ngân) và Đinh Mạnh Thắng để ký và thanh toán hợp đồng chuyển nhượng cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá tương đương 34 triệu đồng/m2 đất, thấp hơn mức giá PVP Land đã thỏa thuận đặt cọc (52 triệu đồng/m2) tạo ra chênh lệch để chiếm đoạt cổ phần trị giá 87 tỷ đồng, trong đó có tài sản của nhà nước. Giá trị tài sản các đối tượng đã chiếm đoạt là 49 tỷ đồng.
Cụ thể, sau khi được thanh toán 50% giá trị hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Thái Kiều Hương đã yêu cầu đưa 14 tỷ đồng để "lại quả" cho Trịnh Xuân Thanh. Tối cùng ngày, Hương mang tiền đến nhà Đinh Mạnh Thắng để nhờ chuyển.
Ngày hôm sau, Đinh Mạnh Thắng để tiền trong vali, cất trong cốp chiếc xe Trịnh Xuân Thanh thường sử dụng. Hết giờ làm việc hôm đó, được tài xế trở về, Trịnh Xuân Thanh kéo chiếc vali tiền vào nhà.
Sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án ngày 21.4.2010, Trịnh Xuân Thanh đã trả lại số tiền trên cho người đưa là Đinh Mạnh Thắng, để trả lại cho Thái Kiều Hương. Như vậy, toàn bộ khoản tiền chiếm đoạt trong vụ án này đã được Trịnh Xuân Thanh trả hết.
Ở vụ án thứ hai, Trịnh Xuân Thanh và nhiều bị can, trong đó có ông Đinh La Thăng bị cho là làm trái quy định của Nhà nước trong việc triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng.
Biệt thự trên đỉnh núi Tam Đảo của gia đình Trịnh Xuân Thanh
Cơ quan điều tra còn xác định, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT của PVC, Trịnh Xuân Thanh đã cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo bị can Nguyễn Anh Minh và bị cáo Lương Văn Hòa lập hồ sơ khống, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng-Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Riêng Trịnh Xuân Thanh hưởng lợi 4 tỷ đồng. Hành vi này được các cơ quan tiến hành tố tụng xác định là Tham ô tài sản.
Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã kê biên biệt thự của gia đình Trịnh Xuân Thanh ở khu đô thị sinh thái ở Hà Nội, căn hộ ở đường Trần Phú (đường gần bờ biển TP.Nha Trang tỉnh Khánh Hòa), một xe ô tô Mazda CX5 và giao cho con trai của Trịnh Xuân Thanh bảo quản.
Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam đã rà soát, phong tỏa tổng số hơn 50,8 nghìn cổ phiếu do Trịnh Xuân Thanh đứng tên và hơn 17 nghìn cổ phiếu do vợ bị can này đứng tên, không có chuyển nhượng khi chưa có yêu cầu của cơ quan điều tra. Ngoài ra, Cơ quan điều tra còn phong tỏa các tài khoản đứng tên Trịnh Xuân Thanh, tên vợ, con bị can này.
Theo: Lương Kết
Dân Việt