Trình Thủ tướng xây ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất gần 11.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn góp của ACV.
Gần 11.000 tỷ đồng, 20 triệu khách
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có công suất 20 triệu khách/năm sẽ do Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện.
Diện tích mặt bằng nhà ga khoảng 110.000 m2, mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.670 m, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước… Dự án được xây dựng trên diện tích 16,05 ha.
Dự án được thẩm định với tổng mức đầu tư khoảng 10.990 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn góp của ACV. Cảng hàng không (CHK) này đang có kế hoạch cải tạo để nâng tổng công suất của nhà ga T1, T2 lên 30 triệu hành khách/năm, vì vậy việc đầu tư xây dựng thêm nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm là phù hợp với quy hoạch của TP.HCM để nâng tổng công suất của toàn cảng lên 50 triệu hành khách/năm.
Về tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Trong giai đoạn chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư dự án như của ACV có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở bước lập báo cáo khả thi tiếp theo, ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục thuộc dự án bảo đảm đúng định mức kinh tế kỹ thuật”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, ACV phải chịu trách nhiệm về nội dung, phương pháp tính toán và sự phù hợp khối lượng và đơn giá áp dụng để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Về phía đơn vị góp vốn, ACV cho biết sơ bộ tổng mức đầu tư dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật. Trong khi đó, quy mô dự án này được tư vấn tính toán được căn cứ theo các số liệu về dự bảo vận chuyển hàng không của khu vực TP.HCM cũng như các kịch bản khai thác, phân chia lưu lượng vận chuyên giữa các sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành…
Ngoài ra, dự án cũng đã tham khảo một số công trình tương tự như nhà ga Cam Ranh, Vân Đồn, Đà Nẵng, Cát Bi, T2 Nội Bài, T2 Tân Sơn Nhất…
Tân Sơn Nhất đối mặt nguy cơ “đóng băng”
Trong hồ sơ, ACV dự kiến thực hiện toàn bộ dự án trong vòng 37 tháng kể từ khi được phê duyệt chủ trương đầu tư. Cụ thể: 12 tháng chuẩn bị đầu tư, 24 tháng triển khai thi công xây dựng và 1 tháng xin cấp phép hoạt động.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ KH&ĐT cho rằng dự kiến tiến độ này khó khả thi. Lí do vì dự án phải thực hiện các công việc như thi tuyển kiến trúc; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu thiết kế; thiết kế kỹ thuật, tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng...
Bộ KHĐT đề nghị ACV rà soát, tính toán cụ thể điều chỉnh phù hợp với thực tế và chịu trách nhiệm việc dự kiến tiến độ thực hiện Dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACV - khẳng định sự cấp thiết phải nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, bởi sân bay này không đáp ứng được nhu cầu của thị trường và việc mở rộng sân bay chậm trễ thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị “đóng băng” công suất khai thác, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), lãnh đạo đơn vị này cũng cho biết đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng tắc nghẽn bầu trời tại Tân Sơn Nhất, nhưng dưới mặt đất thì tình hình còn nan giải hơn. Song song với việc nhanh chóng đầu tư nhà ga T3, cũng cần cấp thiết tạo các vệt lăn song song tại khu sân đỗ tàu bay nhà ga T3 đảm bảo phục vụ hành khách.
Châu Như Quỳnh