Vì sao Bộ Giao thông chọn ACV “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất?

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp tư nhân ngỏ ý muốn đầu tư vào hàng không, nhưng việc xây dựng nhà ga T3 “giải cứu” Tân Sơn Nhất được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao cho Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Theo Bộ này, phải xem xét sự đồng bộ trong quản lý, khai thác và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thông tin nói trên được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đưa ra tại cuộc họp báo quý I/2019, chiều tối 28/3, trong đó vấn đề lựa chọn nhà đầu tư Dự án nhà ga hành khách T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM được nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của báo giới về việc có nhiều nhà đầu tư quan tâm dự án, cơ quan chức năng có nên tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, ràng buộc điều kiện để đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: “Bộ GTVT rất ủng hộ các nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án”.

Vì sao Bộ Giao thông chọn ACV “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất? - 1
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp báo chiều tối ngày 28/3

Lãnh đạo Bộ GTVT dẫn chứng, thời gian qua, có nhiều nhà đầu tư tư nhân đầu tư vào hàng không, đặc biệt là sự thành công tại dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, nhà đầu tư thực hiện những dự án Cảng Hàng không quốc tế mới rất thuận lợi, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ.

Mặc dù vậy, với nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay: “Đối với việc chỉ đầu tư vào nhà ga, như T3 Tân Sơn Nhất, phải xem xét sự đồng bộ trong quản lý, khai thác cho phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như khuyến cáo của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO). Không thể tách ra nhiều nhà khai thác trong 1 cảng hàng không.”.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Phương - Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ GTVT - thông tin, ngày 26/3 Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất.

Ông Phương cho hay, trong đó báo cáo trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất 4 hình thức đầu tư gồm: Giao cho ACV - người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

“Tại báo cáo này, Bộ GTVT phân tích cụ thể các ưu nhược điểm của từng phương án liên quan đến khả năng đảm bảo tiến độ, năng lực đầu tư và đồng bộ trong quản lý khai thác.” - ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV do đây là doanh nghiệp Nhà nước chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết.

Vì sao Bộ Giao thông chọn ACV “giải cứu” sân bay Tân Sơn Nhất? - 2

Sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM

Phó vụ trưởng vụ Kế hoạch - Đầu tư cũng khẳng định, ACV thể hiện được năng lực qua các công trình quan trọng được doanh nghiệp này đầu tư trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, khi ACV đầu tư, quản lý, khai thác nhà ga hành khách T3 sẽ “đảm bảo nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay có một nhà khai thác CHK, sân bay” như quy định của ICAO.

Chốt lại vấn đề này, lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh: “Đó chỉ là đề xuất của Bộ GTVT, còn Thủ tướng Chính phủ mới là người cuối cùng quyết định lựa chọn phương án nào, có giao ACV thực hiện nhà ga hành khách T3 hay không.”.

Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm, tuy nhiên năm 2018 đạt hơn 40 triệu khách và vượt công suất thiết kế gần 15 triệu, khu bay gần tiệm cận với mức độ chúng ta phải “đóng băng” công suất khai thác. Dự báo, đến năm 2025 hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt 65 triệu lượt, đến 2030 nhu cầu thị trường là 85 triệu lượt khách/năm.

Châu Như Quỳnh