1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trình Thủ tướng về "siêu dự án" nối TPHCM với 4 tỉnh trọng điểm kinh tế

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đề nghị Thủ tướng giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đường vành đai 4 TPHCM đi qua 5 tỉnh, thành phố vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.

Huyết mạch vùng trọng điểm kinh tế phía Nam

Dự án đường vành đai 4 TPHCM với tổng chiều dài khoảng 200 km, đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố là Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An.

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án tuyến vành đai 4 TPHCM, theo nguyên tắc phân chia các đoạn theo địa giới hành chính của từng địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM ngày 13/5.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ  - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km; UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km; UBND TPHCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TPHCM), chiều dài khoảng 71 km.

Trình Thủ tướng về siêu dự án nối TPHCM với 4 tỉnh trọng điểm kinh tế - 1

Đường vành đai TPHCM đang được xúc tiến triển khai (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Tuyến đường vành đai 4 TPHCM đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Long An với tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km, tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km.

Đường vành đai 3, vành đai 4 TPHCM là các tuyến vành đai cao tốc đô thị, kết nối các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; liên kết, phát huy hiệu quả các tuyến đường bộ cao tốc và quốc lộ hướng tâm, góp phần giảm ùn tắc giao thông khu vực nội đô TPHCM và thúc đẩy phát triển kinh tế  khu vực. Mặc dù có vai trò rất quan trọng, nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện rất chậm, không tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, đặc biệt là TPHCM.

Theo Quyết định số 1697/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 3 và Quyết định số 1698/QĐ-TTg ngày 28/9/2011 phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 TPHCM, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chủ động kêu gọi, huy động các nguồn vốn để đầu tư xây dựng Dự án thành phần, trong đó ưu tiên khai thác quỹ đất.

Đến nay, tuyến Vành đai 3 mới chỉ hoàn thành 16,3 km/89 km; tuyến Vành đai 4 hoàn thành 11 km/197,6 km. Việc chậm triển khai đã dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, làm tăng chi phí đầu tư, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và khu vực...

Trước đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập phương án phân chia các dự án thành phần, theo hướng triển khai tối đa theo phương thức đối tác công - tư (PPP); hướng dẫn và đôn đốc các địa phương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án; các địa phương có trách nhiệm bố trí vốn giải phóng mặt bằng; phần vốn tham gia của nhà nước trong các dự án PPP sử dụng kết hợp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.

17 triệu USD nâng cấp quốc lộ 19

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1, sử dụng vốn dư của Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam - VRAMP vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) trong khuôn khổ Hiệp định tài trợ số 5331-VN.

Theo đó, Bộ trưởng KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT gửi WB công hàm thông báo về việc Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1 được phê duyệt chủ trương đầu tư và sử dụng vốn dư của dự án VRAM.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT căn cứ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến quốc lộ 1 của Thủ tướng Chính phủ, góp ý của các cơ quan có liên quan tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền thẩm định trước khi thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo không ảnh hưởng đến tiến độ, mục tiêu, kết quả và thời hạn hoàn thành.

Cùng đó, Bộ GTVT có trách nhiệm thực hiện thủ tục bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021-2025 cho dự án theo quy định pháp luật đầu tư công. 

Liên quan đến việc tổ chức triển khai Dự án, UBND tỉnh Quảng Trị sẽ có trách nhiệm hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kịp thời hạn để đảm bảo tiến độ thi công Dự án trong năm 2021-2022. 

Được biết, với tổng mức đầu tư dự án là 19,05 triệu USD (tương đương 440,38 tỷ đồng), quốc lộ 9 là tuyến đường chạy theo hướng Đông - Tây từ Cửa Việt đến cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị), chiều dài 97 km, trong đó đoạn từ cảng Cửa việt đến quốc lộ 1 có chiều dài 13,8 km.

Quốc lộ 9 thuộc tuyến đường Xuyên Á (AH16), là một trong các trục giao thông huyết mạch từ Đông sang Tây có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh Quảng Trị nói riêng, khu vực Bắc miền Trung nói chung. Đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Việt Nam với Lào, Thái Lan, Myanmar.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm