1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

Triệt tận gốc biến tướng phân lô, bán nền

(Dân trí) - Quyết định 33 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TPHCM có nhiều điểm còn “lỏng” nên bị hiểu sai, cố tình hiểu sai, vận dụng sai… dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền ồ ạt, phá nát quy hoạch chung, gây tình trạng “sốt” đất ảo.

Hôm qua (18/5), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa chủ trì cuộc họp nghe Sở Tài nguyên – Môi trường TP báo cáo “Dự thảo quy định thay thế Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa” (gọi tắt là dự thảo).

Thế nào là "thửa đất có nhà hiện hữu"?

Tại cuộc họp, một nội dung được các đại biểu quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến là giải thích như thế nào là “thửa đất có nhà hiện hữu”.

Sở Tài nguyên - Môi trường TP trình bày dự thào thay thế quyết định 33
Sở Tài nguyên - Môi trường TP trình bày dự thào thay thế quyết định 33

Quyết định 33 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa giữa đất ở đã có nhà hiện hữu và đất chưa có nhà là khác nhau. Tuy nhiên, quyết định này không nói rõ loại đất ở đã có nhà hiện hữu là như thế nào. Điểm này được các chủ đất vin vào để tách thửa.

Cụ thể, từ một thửa đất trống, chủ đất “lách luật” bằng cách xây một căn nhà tạm, sơ sài để được tách thửa thành những lô đất nhỏ hơn. Vì theo quyết định 33, thửa đất có nhà ở hiện hữu thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa nhỏ hơn so với thửa đất để trống.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo giải thích rõ đất ở có nhà hiện hữu phải là nhà ở được hình thành từ trước ngày quyết định 33 có hiệu lực, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc đủ điều kiện để được công nhận quyền sở hữu nhà ở.

Ngoài ra, thực tế còn có tình trạng thửa đất không đủ điều kiện tách thửa theo quyết định 33 nên chủ đất (đất thuộc sở hữu chung) “lách” bằng cách kiện ra tòa đòi phân chia đất. Sau khi tòa phán quyết thì thửa đất được giải quyết tách thửa.

Để chấm dứt tình trạng trên, dự thảo quy định bản án, quyết định của tòa án, quyết định của cơ quan thi hành án được ban hành kể từ sau ngày quyết định thay thế quyết định 33 có hiệu lực thi hành, trong đó có phân chia thửa đất, thì diện tích thửa đất hình thành sau khi phân chia phải đảm bảo diện tích tối thiểu quy định tại quyết định này.

Bất thường chuyện "phân lô, bán nền"

Tại cuộc họp, đại diện các sở - ngành, quận - huyện đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo, sớm ban hành thay thế quyết định 33.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, việc phân lô, bán nền đang có những diễn biến bất thường. Những quận vùng ven và các ngoại thành, đang lên cơn sốt đất nền.

“Chủ thể tạo ra cơn sốt này, chính là giới đầu nậu và “cò” đất, sở dĩ họ lộng hành được vì có cái “lỏng” trong thực hiện quyết định 33. Biện pháp để khắc phục là TP sớm ban hành quyết định sửa đổi hoặc thay thế quyết 33”, ông Châu nói.

Người dân đến làm thủ tục đất đai tại huyện Hóc Môn
Người dân đến làm thủ tục đất đai tại huyện Hóc Môn

Cũng theo ông Châu, thực tế là “đầu nậu” đứng sau lưng chủ đất. Và cũng có trường hợp “đầu nậu” đứng sau lưng một doanh nghiệp bình phong. Hiệp hội biết những trường hợp này. Vì vậy, TP phải ngăn chặn được chuyện này.

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng cơn sốt đất ở ngoại thành, vùng ven bùng phát trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân là sự nhiễu loạn thông tin. “Sự nhiễu loạn thông tin về việc TPHCM sẽ chia tách, sáp nhập quận, nâng cấp huyện này, huyện kia lên quận”, ông Châu nói.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP đề nghị lãnh đạo UBND TPHCM thông tin chính thức có hay không việc sẽ chia tách, sáp nhập, nâng cấp một số huyện lên quận… để hạ nhiệt cơn sốt đất vùng ven.

Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa thừa nhận khu vực ngoại thành, vùng ven thành phố có hiện tượng giá nhà đất tăng cao bất thường nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của thành phố.

“Giá nhà đất tăng cao sau khi Chính phủ đồng ý bổ sung công trình cầu Cần Giờ, cầu Cát Lái vào quy hoạch giao thông nhằm thay thế phà Bình Khánh, phà Cát Lái. Ngoài ra, đất ở Cần Giờ tăng cao là do quy hoạch thành phố biển Cần Giờ. Đây là những quy hoạch đã công bố công khai”, ông Khoa nói.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa

Ông Lê Văn Khoa cho biết trong tương lai gần, UBND TPHCM chưa xem xét đến việc sáp nhập, chia tách quận. Căn cứ theo các tiêu chí hiện hành của Bộ Nội vụ thì các huyện ngoại thành như Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi chưa đủ điều kiện để nâng cấp lên thành quận nên thành phố chưa có chủ trương nâng cấp.

Kết luận cuộc họp, ông Khoa cũng cho biết việc điều chỉnh quyết định là nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong việc tách thửa, chia đất cho con ra riêng. Đồng thời, khắc phục được những hạn chế mà vừa qua một số địa phương hiểu sai, vận dụng sai hay cố tình vận dụng sai… gây ra tình trạng đầu cơ, phân lô, bán nền tràn lan phá nát quy hoạch chung.

Ông Lê Văn Khoa yêu cầu, trong 7 ngày tới (sau buổi họp này) các đơn vị liên quan, phải rà soát lại lần nữa nhằm góp ý, nêu được chính kiến, đặc biệt là với các quận, huyện ngoại thành.

“Để khi có quyết định sửa đổi hoặc thay thế quyết định 33, các quận, huyện sẽ quản lý địa phương mình tốt hơn. Tránh trường hợp bị lợi dụng, “đầu nậu” về đất nền. Dứt khoát không để tình trạng, sau khi ban hành xong, thì đổ thừa cho cái này chưa rõ; cái kia bị vướng...”, ông Khoa nói.

Quốc Anh