Triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện càng sớm càng có lợi

(Dân trí) - Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực bảo hiểm tại buổi hội thảo “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Kinh nghiệm quốc tế và Quy định pháp lý tại Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 24/4.

Triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện càng sớm càng có lợi
Cần một hình thức BHHT bổ sung, tạo điều kiện cho mọi người có thu nhập ổn định, cao hơn trong tương lai.
 

Bảo hiểm hưu trí (BHHT) tự nguyện hiện là một trong ba trụ cột chính của chế độ hưu trí ở nhiều nước trên thế giới. Còn ở Việt Nam, BHHT vẫn chủ yếu theo cơ chế là bảo hiểm bắt buộc.

 

Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi đất nước ngày càng phát triển, thu nhập người dân tăng lên, dân số dù đang ở thời điểm dân số vàng (với hơn 50 triệu người lao động trên tổng số 87 triệu dân) nhưng sẽ già hóa theo quy luật, khi đó gánh nặng trách nhiệm của Nhà nước, xã hội đối với những người hưu trí sẽ ngày càng lớn. Do vậy, cần một hình thức BHHT bổ sung, tạo điều kiện cho mọi người có thu nhập ổn định, cao hơn trong tương lai, góp phần ổn định cuộc sống.

 

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức BHHT tự nguyện thông qua việc mua các sản phẩm bảo hiểm hoặc đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện.

 

“Đây là hướng đi đúng đắn, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm trụ cột bảo hiểm của cả nước và đặt ra cơ hội mới cho mọi người tham gia vào hoạt động BHHT, tạo điều kiện cho mọi người có được thêm những nguồn thu nhập ổn định và cao hơn trong tương lai khi đến tuổi về hưu hoặc gặp trường hợp rủi ro”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đánh giá.

 

Theo ông Hà, hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam cũng đã cho phép triển khai các sản phẩm BHHT tự nguyện. Vấn đề là phải có thiết kế sản phẩm sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

 

“Đây là một sản phẩm mới đối với Việt Nam, không kỳ vọng trong thời gian ngắn sản phẩm này sẽ phát triển nhanh nhưng việc bắt đầu triển khai sẽ là sự khởi đầu quan trọng. Nếu triển khai ngay bây giờ, trong một vài năm tới, sẽ có được những sản phẩm bảo hiểm có ý nghĩa cho nền kinh tế và cho phát triển an sinh xã hội của đất nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 

Theo các chuyên gia quốc tế, với điều kiện hiện tại của Việt Nam, để sớm thúc đẩy các chương trình BHHT tự nguyện thì cần lựa chọn mô hình trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

 

Tuy nhiên, trong giai đoạn khởi đầu, ông Desmond Chan - Giám đốc Chiến lược hưu trí, Bộ phận giải đáp doanh nghiệp Tập đoàn AIA cho rằng, trong giai đoạn khởi động, Việt Nam nên xây dựng hệ thống hưu trí tự nguyện càng đơn giản càng tốt và nên ưu đãi về thuế cho tất cả các khoản đóng góp. Và “bắt đầu càng sớm, mọi người càng có lợi” - ông Desmond Chan khuyên.

 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho rằng, các chính sách khuyến khích hỗ trợ của Nhà nước đối với sản phẩm này cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng mà cụ thể là hỗ trợ về thuế đối với người lao động tham gia, ưu đãi khi họ được hưởng tiền hưu định kỳ hoặc nhận bồi thường khi có rủi ro.

 

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thiết lập quỹ BHHT tự nguyện, sẽ chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm có năng lực tài chính vững mạnh (vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng; Biên khả năng thanh toán tối thiểu trên 300 tỷ đồng), đáp ứng các điều kiện về công nghệ thông tin, kinh nghiệm triển khai và quản trị điều hành mới được triển khai sản phẩm này.

 

Ngoài ra, doanh nghiệp bảo hiểm phải sử dụng quỹ chủ sở hữu đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện không thấp hơn 200 tỷ đồng và không được rút số tiền này ra khỏi quỹ hưu trí tự nguyện.

 

Quỹ hưu trí tự nguyện được tách bạch và hạch toán riêng biệt khỏi các quỹ khác của doanh nghiệp bảo hiểm.

 

Nhật Linh