Trao đặc thù cho Hải Phòng thu phí, lệ phí: Tránh gây khó cho doanh nghiệp

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội đề nghị cần cân nhắc lộ trình thực hiện cơ chế đặc thù cho Hải Phòng khi trao quyền điều chỉnh các mức phí, lệ phí, nhất là trong năm 2022.

Trao đặc thù cho Hải Phòng thu phí, lệ phí: Tránh gây khó cho doanh nghiệp - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thống nhất là phải có lộ trình với nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí (Ảnh: Quốc Chính).

Sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.

Nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Hải Phòng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho biết cơ bản tán thành với sự cần thiết Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Nghệ An theo Tờ trình của Chính phủ nhằm tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Tuy nhiên về nội dung thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí, đại biểu Hương băn khoăn với quy định cho phép Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh Thanh Hóa và thành phố Hải Phòng được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Đại biểu đặt vấn đề, cơ chế này liệu có đảm bảo tính thống nhất trong pháp luật hay không. Ngoài ra, để tránh việc chính quyền địa phương được điều chỉnh mức thu hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí quá mức gây khó khăn cho các đối tượng chịu tác động, đại biểu cho rằng cần bổ sung quy định về nguyên tắc, tỷ lệ phần trăm được điều chỉnh so với mức phí, lệ phí theo quy định của luật hiện hành.

Cùng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) thống nhất việc trao quyền chủ động cho HĐND thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được quyền quy định bổ sung thêm với các loại phí ngoài danh mục quy định tại Luật Phí và lệ phí, cũng như điều chỉnh các mức phí, lệ phí khác so với quy định của luật.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện chính sách này, nhất là trong năm 2022. Bởi chúng ta tập trung phục hồi và phát triển kinh tế, sau thời gian chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19. Người dân và các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu đang hết sức khó khăn với các khoản đóng thuế, phí và lệ phí.

Giải trình ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện chính sách này là thực hiện chủ trương phân cấp, trao quyền cho HĐND của cấp tỉnh được chủ động, linh hoạt trong thực hiện chính sách này để bảo đảm nguồn thu phát huy hiệu quả.

"Mỗi địa phương có thể lựa chọn điều chỉnh phí và lệ phí khác nhau và phí môi trường, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng công cộng, cảng biển…", Bộ trưởng Dũng nói và cho rằng việc ban hành các phí, lệ phí này phải có lộ trình phù hợp với thực tế.

"Hôm nay có rất nhiều đại biểu có nói dịch Covid-19 vừa rồi ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân, nếu chúng ta điều chỉnh không có kiểm soát, không có lộ trình thì sẽ tác động ngay đến các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng, chúng tôi cũng thống nhất là phải có lộ trình", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.