1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Tranh thủ" làm điện mặt trời trước 31/12 nhưng không phải tràn lan (?!)

Thúy Diễm

(Dân trí) - Lãnh đạo Sở Công Thương Đắk Lắk thừa nhận có việc người dân, doanh nghiệp có tiềm lực tranh thủ làm điện mặt trời mái nhà trước ngày 31/12/2020 nhưng không phải là tràn lan và không đúng quy định.

Sở Công thương Đắk Lắk vừa có báo cáo về tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn tỉnh.

Tranh thủ làm điện mặt trời trước 31/12 nhưng không phải tràn lan (?!) - 1

Nhiều dự án trang trại chỉ để làm ĐMTMN tại Đắk Lắk 

Theo đó, có tình trạng nhiều trang trại chưa hoàn thiện thủ tục xác nhận trang trại, chưa triển khai trồng trọt theo phương án đã được phê duyệt thi công phần ĐMTMN. Một số trang trại trồng cây mái nhà không đúng kỹ thuật, đã thực hiện đấu nối với điện lưới của Công ty Điện lực Đắk Lắk.

Nhiều trang trại được xây dựng chưa hoàn thiện các hạng mục về sản xuất trang trại, chưa có kết quả kinh doanh kinh tế trang trại nhưng đã lắp đặt hệ thống ĐMTMN để bán điện.

Còn tồn tại công trình khi thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN không phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn; một số công trình khi thực hiện lắp đặt không phù hợp quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước mái, an toàn công trình và phòng cháy chữa cháy.

Tranh thủ làm điện mặt trời trước 31/12 nhưng không phải tràn lan (?!) - 2

Một dự án trồng nấm làm ĐMTMN tại huyện Buôn Đôn

Ông Trương Công Hồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho rằng, thực trạng về ĐMTMN mà báo chí phản ánh thời gian qua có phần đúng.

Về việc các dự án ĐMTMN tại Đắk Lắk tràn lan, nhiều dự án trá hình nông nghiệp công nghệ cao nhưng chỉ tập trung làm ĐMTMN, kết cấu công trình không đảm bảo, hơn 1.000 công trình ĐMTMN được đấu nối trong tháng 12/2020 liệu có phải đã được "hợp thức hóa" để kịp thời điểm trước ngày 31/1.

Ông Hồng lý giải, theo cơ chế đến 31/12/2020, nếu chưa làm xong ĐMTMN (chưa đấu nối - PV) thì sẽ không được hưởng mức giá 1.900 đồng/KWh và từ thời điểm này trở đi ĐMTMN chưa biết được mức giá ra sao?

"Do đó, người dân và doanh nghiệp có tiềm lực tranh thủ làm chứ không phải làm tràn lan và không đúng quy định pháp luật", ông Hồng cho hay.

Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, ngành chức năng tỉnh tiếp tục khẩn trương kiểm tra, rà soát việc đầu tư các công trình, trang trại nông nghiệp lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên địa bàn; việc xây dựng mái của trang trại phải phù hợp với công năng, mục đích sử dụng; phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Ông Hồng cho rằng, ĐMTMN có nhiều tín hiệu tích cực khi chỉ trong vòng gần 2 năm với cơ chế chính sách đã thu hút được dự án với 10.000 tỷ đồng đầu tư vào ĐMTMN của tỉnh, sản lượng mỗi năm khoảng 1 tỷ KWh, thu mỗi năm khoảng 2.000 tỷ đồng, đóng thuế cho nhà nước gần 200 tỷ đồng.

"Các dự án ĐMTMN ký hợp đồng 20 năm do vậy dự án nào chưa đạt thì bắt buộc họ phải làm cho đạt, những đơn vị nào không đảm bảo tiêu chí kiểm tra lại và có báo cáo cụ thể cho tỉnh chỉ đạo các Sở phối hợp giải quyết để họ an tâm", ông Hồng nói thêm.

Đồng thời, ông Hồng khẳng định việc loại bỏ các dự án đã đầu tư rất khó mà phải hướng dẫn làm đúng quy định.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm