Trần lãi suất 12%: Lợi bất cập hại!

Việc Ngân hàng Nhà nước “thả nổi” biên độ của lãi suất cho vay đã mở đường cho các ngân hàng thương mại đẩy lãi suất cho vay lên cao, khiến người cần vốn lâm vào thế kẹt.

Theo tính toán của các chuyên gia, tính từ tháng 10/2007 đến tháng 1/2008, với tốc độ lạm phát 14%, người gửi tiết kiệm đã bị lỗ từ 4%-6%. Trong khi lãi suất hai tháng qua đã vượt lên 18%-20% và chỉ số tăng giá tiêu dùng tăng trên 6,04% (tháng 2/2008), những người gửi tiết kiệm buộc lòng phải rút tiền ra để đầu tư vào địa ốc hoặc mua vàng.

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) tiếp tục duy trì các chiến dịch khuyến mãi để giữ chân khách hàng. Đây là biện pháp nhằm lách mức khống chế lãi suất trần huy động tiền gửi 12% của Ngân hàng Nhà nước (SBV). Mức 12% này rõ ràng thấp hơn thực tế so với tỉ lệ mất giá của đồng tiền. Vì vậy, người gửi sẽ tiếp tục bị thua thiệt.

Trong khi đó, SBV lại không hạn chế biên độ của lãi suất cho vay, mà quy định “NHTM căn cứ lãi suất huy động...tính toán đủ các khoản chi phí, lợi nhuận hợp lý và có chính sách khách hàng hợp lý để áp dụng mức lãi suất cho vay phù hợp với đặc thù của từng NHTM và với mặt bằng lãi suất chung trên địa bàn...”.

Đây là một cơ chế rất thoáng cho các NHTM khi cho vay, và có nơi đã đẩy lãi suất lên đến trên 25%/năm - một dạng cho vay nặng lãi! Liệu với lãi suất cao ngất trời như vậy, những doanh nghiệp đang kẹt vốn có dám vay? SBV đã đẩy cái khó của mình cho NHTM, nhưng khiến người thiếu vốn lâm vào thế kẹt: Phải vay với lãi suất cắt cổ, kèm theo những điều kiện khắt khe như cầm cố nhà, đất...

Nền kinh tế bong bóng đã hình thành ở nước ta khi các NHTM đã chạy theo lợi nhuận cho vay tràn lan đối với nhà đầu tư chứng khoán, địa ốc nhưng đã rơi vào khủng hoảng khi đồng tiền mất giá và những biện pháp nóng vội trong việc hạn chế lưu thông tiền mặt của SBV.

Khi mà những tác động tiêu cực của nền kinh tế bong bóng này chưa thể khắc phục, việc khống chế mức lãi suất tiết kiệm trần như vậy có phải là giải pháp tốt nhất trong khi NHTM không có biện pháp nào khác ngoài thủ thuật lách bằng các chương trình khuyến mãi?

Theo Hồng Lê Thọ
Báo Người Lao động