Trần ai những chặng đường đòi lương

Tiền lương là quyền lợi chính đáng, là công sức, mồ hôi, nước mắt của công nhân (CN), là khoản tiền họ đáng được hưởng nhưng tại nhiều doanh nghiệp (DN), CN lại không được hưởng. Để đòi được đồng tiền chính đáng của mình, họ phải đổ mồ hôi, nước mắt thêm nhiều lần nữa, có khi họ đành phải từ bỏ vì thủ tục xử lý quá nhiêu khê.

Trần ai những chặng đường đòi lương

Công nhân Cty Trường Thịnh giăng tạm bạt để che mưa nắng canh tài sản, chờ giám đốc xuất hiện để trả lương.
 
“Ăn gió, uống sương” để canh cửa Cty

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* TPHCM: Trên 7.700 tỷ đồng cho 100 dự án kích cầu
* Bộ TNMT không trả trụ sở cũ vì...thêm việc, nhiều cán bộ
* Thương xá Tax và câu chuyện thảm gạch Mosaic đến từ kinh thành Fes
* Chuyện lạ thời khó: Đại gia buồn vì nhiều tiền
* Tiến sĩ Mỹ kể chuyện mưu sinh ở Việt Nam
* Thừa sức sản xuất ốc vít đạt chuẩn quốc tế

Nhiều tháng qua, 250 CN Cty CP Trường Thịnh (huyện Củ Chi, TPHCM) phải sống khổ sở vì bị GĐ nợ lương. Khi mọi chuyện chưa được giải quyết thì GĐ Cty “lặn” mất, xưởng sản xuất cũng đóng cửa. Có mặt tại trụ sở Cty vào trưa 20.10, tận mắt chứng kiến cảnh CN che nắng mưa bằng bao bố, bạt cũ rách trước cổng Cty để canh tài sản, chờ GĐ xuất hiện trả lương mới thấy thật xót xa.

Ngày 17.10, phát hiện Cty có dấu hiệu tẩu tán tài sản nên CN đã cắt cử người đến Cty để canh giữ. “Tôi đã lớn tuổi, giờ đi làm cũng không ai thuê nên ra đây canh tài sản cho anh em an tâm đi làm. Hơn nữa, cả ba mẹ con tôi đều làm ở Cty Trường Thịnh, Cty nợ ba mẹ con gần 40 triệu đồng. Số tiền đó là cả gia tài đối với mẹ con tôi”, chị Duyên, 44 tuổi, làm việc 4 năm tại Cty, cho biết.

Cùng canh cửa Cty với chị Duyên còn có chị Hằng và anh Thạnh, cùng là CN Cty Trường Thịnh. “Cty nợ hai vợ chồng tôi gần 30 triệu đồng, riêng anh Thạnh hơn 15 triệu đồng, chúng tôi tự nguyện thay phiên nhau canh để những người khác còn đi làm, nếu cứ bám lấy đây thì chắc chết đói”, chị Hằng nói.

Theo đó, vì chị Duyên lớn tuổi nhất nên được ưu tiên trực buổi sáng, chị Hằng trực buổi chiều và anh Thạnh trực buổi tối. “Bảo vệ không cho chúng tôi vào Cty nên chúng tôi buộc phải ngồi ở ngoài, xung quanh không một bóng cây, 3 chúng tôi, ngày chịu nắng, tối chịu mưa, khốn khổ vô cùng”, anh Thạnh kể.

Được 2 ngày, nhắm sức mình chịu không nổi, các CN này xin bảo vệ cho những tấm bao cũ, bạt rách, giăng trước cổng Cty để lấy bóng mát, che nắng che mưa trong lúc ngồi canh cửa Cty.

“Trước khi vào ca, chúng tôi kiếm cái gì đó ăn, rồi mang theo chai nước, cứ thế đến cửa Cty mà ngồi. Chúng tôi sẽ ngồi, sẽ đợi đến khi nào GĐ chịu trả lương mới thôi”, chị Hằng nói.

“Đòi được vạ thì má đã sưng”

Đợi GĐ để đòi lương đã khó khăn, nếu CN bị Cty nợ lương do GĐ bỏ trốn, phải làm đơn khởi kiện ra tòa, thủ tục còn trần ai, nhiêu khê hơn, hàng ngàn CN đã phải bỏ cuộc giữa chừng vì không theo nổi.

Tháng 4.2006, ông Kim Chang Ho -Tổng GĐ Cty TNHH Hojin (quận Bình Tân, TP.HCM) - bỏ trốn, nợ hơn 230 triệu đồng tiền lương của 157 CN. Do việc ủy quyền thanh lý tài sản không hợp lệ nên việc xử lý tài sản DN kéo dài hơn 8 năm. Mới đây, khi Cục Thi hành án dân sự TPHCM đã bán đấu giá tài sản Cty được 728 triệu đồng, LĐLĐ quận Bình Tân đã liên tục thông báo mời CN từng làm việc tại Cty liên hệ với LĐLĐ quận để được hướng dẫn thủ tục khởi kiện đòi quyền lợi. Tuy nhiên, do vụ việc xảy ra quá lâu, CN tứ tán khắp nơi nên số CN phản hồi rất hạn chế.

Tương tự, tháng 10.2008, do làm ăn thua lỗ bà Noh Yeon Hong -Tổng GĐ Cty Vina Haeng Woon Industry (Q.8, TP.HCM) - đã bỏ trốn, để lại tổng số tiền lương Cty còn nợ 500 CN là 2 tỉ đồng, nợ BHXH 1,95 tỉ đồng. LĐLĐ quận 8 đã đại diện cho tập thể CN Cty làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Vina Haeng Woon Industry.

Nhùng nhằng mãi đến ngày 27.4.2009, TAND TPHCM mới có quyết định mở thủ tục phá sản. Thế nhưng, việc giải quyết vụ việc theo thủ tục phá sản DN không hề đơn giản! Sau thời gian dài “giậm chân tại chỗ” do vướng các thủ tục pháp lý, trong khi đó máy móc, thiết bị ngày càng hoen gỉ, hư hỏng..., đến ngày 15.11.2011, thì TAND TPHCM mới ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bán đấu giá toàn bộ tài sản của Cty.

Đến tháng 2.2012, việc bán đấu giá tài sản của Cty mới hoàn tất, tổng số tiền thu được chỉ hơn 1,9 tỉ đồng. Tính từ thời điểm tài sản Cty này được thanh lý đến nay đã gần 1 năm 6 tháng, số tiền 1,9 tỉ đồng được Tổ quản lý Thanh lý tài sản gửi ngân hàng đã sinh lãi được thêm 100 triệu, tiền thì vẫn cứ nằm trong ngân hàng, còn hàng trăm CN vẫn mỏi mòn chờ đợi. Đến nay, khi người phụ trách vụ việc đã về hưu, việc kêu gọi CN trở lại nhận lương cũng chẳng khả thi vì CN đã tứ tán khắp nơi, số tiền lương bị Cty nợ từ năm 2008 nếu đem tính với vật giá hiện tại thì cũng chẳng còn giá trị là bao.

“Ngày GĐ Cty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn) bỏ trốn, Cty còn nợ lương CN, nợ BHXH gần 1 tỉ đồng. CN chúng tôi đã gào khóc khắp nơi thì được UBND TPHCM cho “tạm ứng” mỗi người 1 triệu đồng. Sau đó, cơ quan chức năng hướng dẫn chúng tôi kiện ra tòa, đến nay đã hơn 1 năm nhưng không thấy động tĩnh gì. CN đã tứ tán khắp nơi, coi như bỏ cuộc, cuối cùng thì cũng chỉ có mình thương tiếc cho mồ hôi nước mắt của mình thôi, đành cắn răng mà chịu”, chị Hoa - CN Cty Kyung Sung Vina - nói.
 
Theo Lê An Nhiên

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”