Trạm BOT đặt cách dự án 30 km để... thu hồi vốn

Trạm BOT Cầu Rác nằm cách dự án hơn 30 km khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh không sử dụng dịch vụ vẫn phải trả tiền.

Đặt trạm cách dự án 30 km để thu phí

Những lùm xùm liên qua đến trạm BOT cầu Bến Thủy chưa được giải quyết triệt để thì mấy ngày gần đây dư luận tại Hà Tĩnh lại xôn xao trước việc đặt trạm thu phí Cầu Rác.

Theo tìm hiểu, tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh được xây dựng từ năm 2009 với tổng chiều dài 16 km, do Tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà làm chủ đầu tư theo hình thức BOT.

Đến tháng 5/2009, sau khi hoàn thành, công ty Sông Đà đề xuất được sử dụng trạm Cầu Rác thu phí để hoàn vốn đầu tư.

Đáng chú ý, trạm Cầu Rác (nằm trên Quốc lộc 1A) đặt tại địa phận xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên nằm cách xa đến hơn 30 km đã khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh bức xúc.


Trạm BOT Cầu Rác nằm cách dự án hơn 30 km đã khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh không sử dụng dịch vụ vẫn phải trả tiền

Trạm BOT Cầu Rác nằm cách dự án hơn 30 km đã khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải tại Hà Tĩnh không sử dụng dịch vụ vẫn phải trả tiền

Ngày 16/4, trao đổi với Đất Việt, ông Trần Quốc Toản - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Tĩnh khẳng định những bức xúc của người dân địa phương về trạm BOT Cầu Rác đã diễn ra trong một thời gian dài.

Theo ông Toản, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhiều vị trí đặt trạm BOT như: Bến Thủy 1, Bến Thủy 2, Cầu Rác... đều bất hợp lý khiến người dân và doanh nghiệp vận tải không sử dụng đường vẫn phải trả phí.

“Không những Hiệp hội vận tải, các doanh nghiệp mà cả những người dân tham gia giao thông đều thấy bất hợp lý. Tuy nhiên người ta không biết kêu với ai. Trạm BOT quá lạm dụng người dân và các doanh nghiệp trong việc thu phí.

Trạm thu phí Cầu Rác mà mặt tại đoạn đường tránh thành phố Hà Tĩnh và ở khoảng cách như vậy là điều hết sức vô lý”, ông Toản khẳng định.

Ông Toản cũng cho biết Hiệp hội vận tải đã có nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay đều không được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết một cách thỏa đáng.

Dân diễu hành ô tô phản đối

Cũng liên quan đến việc này, sáng 16/4, hơn 50 ô tô con và xe tải dán biểu ngữ “Hãy trả lại tiền cho người nghèo hơn 20 năm đóng phí” đã được người dân địa phương đưa tới trạm trạm BOT Cầu Rác để phản đối.

Sự việc trên khiến cho tình trạng giao thông qua trạm thu phí ách tắc cục bộ kéo dài.

Trao đổi với Đất Việt, anh Nguyễn Hải (TP Hà Tĩnh) nổi giận về việc hàng ngày phải trả 70.000 đồng tiền phí trạm BOT Cầu Rác.

Anh Hải chia sẻ, do đặc thù công việc nên anh thường xuyên phải di chuyển qua lại giữa TP Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh. Dù không đi qua trạm thu phí nhưng hàng tháng anh vẫn phải trả từ 1,5-2 triệu đồng.


Nhiều ô tô của người dân tập trung trước trạm BOT để phản đối. Ảnh: Dân Việt

Nhiều ô tô của người dân tập trung trước trạm BOT để phản đối. Ảnh: Dân Việt

“Nếu tôi sử dụng hệ thống cơ sở hạ tầng của trạm BOT thì sẵn sàng trả phí. Tuy nhiên tại sao tôi không đi mà vẫn phải trả tới 2 triệu đồng/tháng. Đó là điều hết sức bất hợp lý”, anh Hải bức xúc.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Trung tá Trần Vĩnh Thành - Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên cho biết sau khi nhận được tin người dân dùng ô tô tụ tập phản đối trạm thu phí BOT cầu Rác, đơn vị này đã phối hợp với Phòng cảnh sát giao thông tỉnh điều tiết, đảm bảo an ninh trật tự.

"Với mục tiêu không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông, mất an ninh trật tự, lực lượng công an huyện cũng đã xuống tuyên truyền, thuyết phục bà con giải tán", Trung tá Thành nói với báo chí.

Ông Phạm Đăng Nhật - Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết, nếu người dân chưa thỏa đáng ở vấn đề nào thì viết đơn kiến nghị lên chính quyền.

"Chúng tôi sẽ sắp xếp buổi làm việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để có phương án đề xuất tháo gỡ. Bà con không tụ tập gây ách tắc giao thông”, ông Nhật nhấn mạnh.

Trước đó, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh cũng có văn bản gửi Tổng công ty MTV hạ tầng Sông Đà và trạm thu phí Cầu Rác để xin giảm giá vé qua trạm thu phí.

Văn bản nêu rõ, Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh được UBND tỉnh, Sở GTVT Hà Tĩnh đồng ý cho đầu tư khai thác tuyến xe buýt số 01: TP Hà Tĩnh – cảng Vũng Áng – Kỳ Phương.

“Tuyến xe buýt tuyến số 01 của Công ty chúng tôi không đi qua tuyến đường tránh TP. Hà Tĩnh, không sử dụng dịch vụ BOT của Trạm thu phí Cầu Rác. Để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp có phương tiện lưu thông qua trạm thu phí Cầu Rác không sử dụng dịch vụ BOT.

Công ty cổ phần vận tải ô tô Hà Tĩnh kính đề nghị Công ty TNHH MTV Hạ Tầng Sông Đà, Trạm thu phí cầu đường bộ Cầu Rác tạo điều kiện cho Công ty chúng tôi được mua vé cho phương tiện qua trạm với giá ưu đã.”, văn bản cho biết.

Theo Hà Nam
Báo Đất Việt