Trái cây Việt Nam còn nhiều cơ hội vào Mỹ và Nhật
(Dân trí) - Mỹ và Nhật được xem là thị trường tiềm năng trong việc xuất khẩu trái cây của Việt Nam nhưng đây lại là 2 thị trường khó tính nhất, bởi hiện nay chỉ mới có trái thanh long vào được 2 thị trường này.
Đó là nhận định của các đại biểu trong Hội thảo “Trái cây Việt Nam - Cơ hội và thách thức trong hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Trái cây Việt Nam tại Tiền Giang ngày 20/4.
Theo báo cáo của TS. Nguyễn Hữu Đạt (Bộ NN&PTNT) thì dừa và thanh long là 2 loại trái cây có lượng xuất khẩu cao nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Dừa chủ yếu đi Trung Quốc, thanh long chủ yếu đi châu Á (có Trung Quốc); bưởi, xoài, chủ yếu đi xuất khẩu sang châu Âu và Canada, chanh xuất đi châu Á (không có Trung Quốc)…
Cũng theo TS. Đạt, thì thị trường khó tính trong việc xuất khẩu trái cây tươi là Mỹ, Nhật, New Zealand, Úc, Hàn Quốc… Còn dễ tính là các thị trường châu Âu, Canada và phần lớn các nước châu Á.
Hiện nay chỉ có thanh long được xuất qua thị trường Mỹ và Nhật (3 năm xuất khẩu 74 triệu USD từ 2007 - 2009). Trong khoảng thời gian tới (từ 2010 - 2015) sẽ xuất khẩu thêm nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài sang Mỹ và Nhật.
“Để tồn tại và phát triển ở thị trường Mỹ chúng ta phải thường xuyên kiểm tra, nhân rộng mô hình vườn trồng và cơ sở đóng gói; tránh tình trạng gian dối, bán phá giá… Bộ NN&PTNT tiếp tục phát triển hệ thống GAP để tăng cường và bảo đảm duy trì chất lượng, đặc biệt là quản lý tốt việc sử dụng thuốc trừ dịch hại…” - TS. Đạt kiến nghị.
Theo ông John Hey (Tạp chí Asiafruit), trái cây Việt Nam có cơ hội rõ ràng ở châu Âu và Mỹ như một số loại trái cây ra trái quanh năm mà vào lúc đó không ai có như thanh long, bưởi… nhưng cũng gặp những thách thức như phải cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ hơn từ Trung Quốc và Thái Lan…
Theo ông John Hey thì sản xuất đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường; có khả năng cung cấp đủ số lượng và liên tục; cần có hệ thống vận chuyển hàng hóa hiệu quả; cần thời gian và kinh phí để xây dựng mối thương mại lâu dài; một kế hoạch tiếp cận… là những điều cần làm để thành công trên thị trường Mỹ và châu Âu”.
Huỳnh Hải