Trả hàng, bỏ dự án vì sợ "made in China"

Làn sóng phản ứng với các dự án có sử dụng hàng Tàu, vật liệu Trung Quốc diễn ra nhiều trên thế giới với lo ngại chất lượng không đảm bảo và chi phí không hề rẻ, thậm chí còn đắt và không hiệu quả.

Sợ hàng Tàu

Hồi đầu tháng 7/2016 vừa qua, Cơ quan quản lý Giao thông Singapore đã thông báo về việc nước này đang triển khai chuyển trả về Trung Quốc 26 đoàn tàu điện do không đảm bảo chất lượng.

Theo đó, trong lô hàng 35 đoàn tàu (mỗi đoàn 6 toa) mà Singapore đặt thiết kế và sản xuất từ Trung Quốc có 26 tàu bị lỗi. Số tàu này được bàn giao năm 2013 để sử dụng trên các tuyến tàu điện ngầm ở Singapore.

Singapore đã lên kế hoạch để chuyển trả toàn bộ 26 đoàn tàu nói trên về Trung Quốc để khắc phục lỗi rạ nứt trên thân tàu. Tuy nhiên, để không làm ảnh hưởng tới các tuyến tàu điện ngầm đang vận hành, Cơ quan quản lý Giao thông Singapore sẽ chuyển từng đoàn tàu về để sửa chữa. Dự kiến quá trình này sẽ kéo dài tới năm 2023.

Trả hàng, bỏ dự án vì sợ "made in China" - 1

Nguyên nhân được Singapore ban đầu xác định là do nguyên liệu để làm hợp kim đúc thân tàu không sạch. Nó gây ra vết nứt sau một thời gian ngắn sử dụng. Bên cạnh đó, một số tàu còn liên tục bị vỡ cửa sổ, nổ pin nguồn cấp điện…

Hợp đồng trị giá 600 triệu đô la Singapore này được ký kết từ năm 2009 và là một trong những thành công của Trung Quốc trong việc xuất khẩu tàu điện và công nghệ đường sắt cao tốc ra thế giới. Tuy nhiên, những thương vụ tỷ USD trong lĩnh vực mà chính phủ Trung Quốc đầy kỳ vọng này đang gây ra sự phản ứng rất mạnh trên thế giới, từ chính quyền cho tới người dân nước thực hiện dự án.

Hôm 8/6 vừa qua, Công ty XpressWest của Mỹ thông báo đã hủy bỏ thỏa thuận liên doanh xây dựng đường sắt cao tốc Las Vegas-Los Angeles với Công ty Đường sắt Trung Quốc (CRI) sau chưa đầy 9 tháng sau khi công bố bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD với lý do lo ngại về chất lượng tàu cao tốc do Trung Quốc sản xuất, và những khó khăn liên quan đến thời hạn hoàn thành công trình.

Trước đó, vụ tai nạn tàu cao tốc tại Ôn Châu, Trung Quốc vào tháng 7/2011 làm 40 người thiệt mạng và 191 người bị thương sau đó đã được kết luận là do một loạt lỗi, trong đó có nhiều lỗi thiết kế nghiêm trọng liên quan tới thiết bị tín hiệu quan trọng.

Gần đây Thái Lan cũng đã lựa chọn cắt giảm mạnh quy mô dự án đường tàu điện cao tốc vốn đã được ký kết với Trung Quốc xây dựng. Indonesia bác bỏ dự án và cho biết chỉ đồng ý với một dự án khác nếu Trung Quốc chấp nhận xây tuyến tàu điện cao tốc mà không dùng tới tiền của chính phủ Indonesia hoặc sự bảo lãnh về vốn. Còn Mexico ngưng luôn dự án với thông báo ngân sách gặp khó khăn.

Dự án Trung Quốc: Rẻ mà không rẻ?

Trong nhiều năm qua, rất nhiều DN từ quốc doanh cho đến tư nhân của Trung Quốc thắng thầu ở các công trình tỷ đô ở nhiều nước trên thế giới. Hàng loạt các dự án đường tàu điện cao tốc, dự án đường cao tốc, dự án đập kè, thủy điện… lớn và ở các vị trí trọng điểm đã rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc.

Lý do DN Trung Quốc thắng thầu khá đơn giản: giá chào thầu thấp và Trung Quốc hỗ trợ cho vay vốn “giá rẻ”.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, trong vài năm gần đây, hàng loạt chính phủ các nước, các chủ đầu đầu tư ở các quốc gia trên thế giới đã tỏ ra thất vọng với các dự án được thực hiện bởi các nhà thầu cũng như hàng hóa sản phẩm Trung Quốc dùng cho dự án. Làn sóng phản đối xảy ra ở nhiều nước, từ châu Á, châu Âu cho tới châu Mỹ như: Indonesia, Myanmar, Mexico… với lo ngại chất lượng không đảm bảo và chi phí cũng không hề rẻ.

Trả hàng, bỏ dự án vì sợ "made in China" - 2

Sau quyết định bất ngờ dừng dự án nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point 24 tỷ USD có sự tham gia của Trung Quốc cuối tháng 7, hàng loạt tờ báo Anh đã ra mặt ủng hộ nữ tân thủ tướng Theresa May.

Trên thực tế, ngay trong lĩnh vực xây dựng tàu điện cao tốc vốn được coi là thế mạnh của Trung Quốc, hiệu quả đầu tư của mạng lưới hàng chục ngàn cây số ở nước này cũng không cao.

Theo một báo cáo của World Bank phát hành năm 2014, Trung Quốc chi khoảng 12-21 triệu USD cho 1 km đường tàu điện cao tốc, so với mức 25-39 triệu USD tại EU và khoảng 56 triệu tại California nhờ giá nhân công và chi phí đền bù thấp.

Tất nhiên, khi xuất khẩu các dự án xây dựng hệ thống tàu điện cao tốc sang các nước khác, DN Trung Quốc có lợi thế hơn nhiều trong đấu thầu. Nhưng, khi bước vào thực hiện, vấn đề chất lượng và thời gian hoàn thành dự án cũng như chi phí thực tế là điều khiến chủ đầu tư ở các nước đau đầu.

Ngay tại Trung Quốc, theo Bloomberg, với lợi thế chi phí thấp hơn hăn, Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CRC) liên tục đối mặt với thua lỗ. Năm 2014, CRC có nợ xấu tăng 10,4% và đã vượt con số 600 tỷ USD, tương đương với tổng nợ của Hy Lạp.

Cũng theo Bloomberg, trong những ngày đầu phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, Trung Quốc đã hy vọng sẽ xuất công nghệ này. Nhưng cho đến nay, rất nhiều nước đã tìm cách co rút lại các dự án đã ký với Trung Quốc như các trường hợp Thái Lan, Indonesia, Mexico nói trên.

Và điều quan trong hơn nữa là, sự nghi ngại về chất lượng các dự án do DN Trung Quốc làm, chi phí phải trả thực sự cũng như những vấn đề nhạy cảm khác… đang ngày càng gia tăng. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại do vậy một lượng rất lớn vốn, hàng hóa (bao gồm xi măng sắt thép…), người lao động… đang dư thừa và cần giải quyết. Sự dịch chuyển là tất yếu ở cơ chế kinh tế thị trường nhưng đó cần phải là một sự dịch chuyển tự nhiên và theo hướng các bên cùng có lợi.

Theo H. Tú
VietnamNet