1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM vào cuộc chống hàng “dỏm” dịp Tết Nguyên đán

(Dân trí) - Để bảo vệ người tiêu dùng tránh phải các mặt hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong đợt mua sắm cao điểm Tết Nguyên đán Bính Thân, UBND TPHCM đã chỉ đạo các ban ngành chức năng vào cuộc quyết liệt.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa ký quyết định thành lập 3 Đoàn thanh tra liên ngành Thành phố về Vệ sinh an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân năm 2016. Lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và đại diện các đơn vị trực thuộc như Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra Sở Công thương, Quản lý thị trường, Phòng PC49 Công an Thành phố… đều được huy động tham gia.

UBND TPHCM yêu cầu các đoàn thanh tra phải kiểm tra một số cơ sở sản xuất, chế biến, nuôi, trồng, kinh doanh thực phẩm; các cơ sở có những mặt hàng cung ứng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Không để tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bẩn… đến tay người tiêu dùng.

Những mặt hàng 3 không được bày bán tại chợ Bình Tây, quận 6 (Ảnh: T.Kiên)
Những mặt hàng "3 không" được bày bán tại chợ Bình Tây, quận 6 (Ảnh: T.Kiên)

Theo ghi nhận của PV, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, như “đến hẹn lại lên”, một lượng lớn các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm được tung ra thị trường. Đây cũng là dịp hàng kém chất lượng có dịp “làm ăn” rầm rộ nhất.

Tại các chợ đầu mối lớn nhất TPHCM đến các chợ dân sinh nhỏ lẻ đều tràn ngập hàng “3 không” (không nhãn mác, không nguồn gốc, không hạn sử dụng). Đa số các mặt hàng như mứt, hạt dưa, hạt bí, nấm, rong… được các cơ sở kinh doanh đóng bịch từ 5 - 20 kg để phục vụ nhu cầu mua sỉ của khách đưa về tỉnh lẻ tiêu thụ. Tất cả các bịch đóng hàng đều không thể hiện bất cứ thông tin gì về sản phẩm, người mua chỉ dựa vào mắt thường mà chọn.

Mới đây, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TPHCM phối hợp với Công an quận Bình Tân tiến hành kiểm tra cơ sở Trường Thọ, số 48/13 đường Trương Phước Phan (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) do bà Lư Thị Mỹ Hạnh làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện gần chục công nhân đang làm các công đoạn sản xuất mứt bí. Cơ quan công an đã tạm giữ một túi ni-long chứa chất bột màu trắng mà bà chủ khai nhận đây là chất tẩy sử dụng để làm sạch và trắng mứt bí đao.

Điều đáng nói, đầu năm 2011, mẫu mứt bí không ngày sản xuất, không hạn sử dụng của cơ sở Trường Thọ cũng đã bị vi phạm về việc sử dụng chất tẩy trắng công nghiệp với hàm lượng Natri sunfat rất cao. Và cơ sở này đã bị Thanh tra Sở Y Tế đình chỉ sản xuất kinh doanh, buộc thu hồi sản toàn bộ sản phẩm vi phạm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để tiêu hủy.

Sau đó, Cảnh sát môi trường tiếp tục kiểm tra một cơ sở sản xuất mứt khác trên địa bàn quận Bình Tân và phát hiện vi phạm tương tự. Hiệp PC49 đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ giám định các mẫu chất bột màu trắng nghi là chất tẩy công nghiệp thu được tại hai cơ sở sản xuất mứt Tết trên địa bàn quận Bình Tân.

Dịp cận tết, thực phẩm bẩn tìm đủ chiêu để qua mặt cơ quan chức năng tuồn vào TPHCM (Ảnh: T.Kiên)
Dịp cận tết, thực phẩm bẩn tìm đủ chiêu để qua mặt cơ quan chức năng tuồn vào TPHCM (Ảnh: T.Kiên)

Cuộc chiến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán không chỉ diễn ra ở các cơ sở sản xuất mà tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (thuộc Chi cục Thú y TPHCM) cũng diễn ra rất khốc liệt để ngăn chặn nguồn thịt gia súc, gia cầm bẩn.

Ngày cuối cùng của năm 2015, hàng trăm con heo sữa còn nguyên dây rốn, đang trong tình trạng bốc mùi, rỉ nước hôi thối được vận chuyển đi tiêu thụ đã bị Trạm KDĐV Thủ Đức phát hiện, thu giữ. Tài xế Lê Minh Điệp (30 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được xác đinh là người nhận chở lô hàng “heo thối” trên. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy gần 200 con heo sữa có dấu hiệu đang phân hủy; còn nguyên lòng, nội tạng có màu sắc tím bầm, rỉ dịch, bốc mùi nồng nặc. Tài xế Điệp đã không xuất trình được giấy tờ liên quan đến lô hàng nói trên và cho biết vận chuyển thuê cho một người từ huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). Trạm KDĐV Thủ Đức đã lập biên bản xử phạt tài xế Điệp, đồng thời tài xế đề nghị tiêu hủy số hàng nói trên.

Đây là một vụ điển hình trong hàng trăm vụ vận chuyển thịt bẩn từ các nơi vào “Hòn ngọc Viễn Đông”. Chủ hàng, tài xế dùng nhiều mánh khóe để qua mặt lực lượng chức năng. Thậm chí, chính các chủ hàng, tài xế đã gọi vào số máy điện thoại bàn của trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức để cung cấp thông tin sai lệch nhằm đánh lạc hướng tổ kiểm tra liên ngành…

Công Quang

 

TPHCM vào cuộc chống hàng “dỏm” dịp Tết Nguyên đán - 3

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm