TPHCM: Tìm cách "chống ế” cho xăng sinh học E5
(Dân trí) - Theo Sở Công thương TP, xăng sinh học E5 chỉ chiếm hơn 4% tổng sản lượng xăng dầu bán ra. Để nâng cao tỷ trọng xăng E5, thời gian tới thành phố sẽ áp dụng chính sách “mưa dầm thấm lâu” chứ không áp dụng biện pháp hành chính can thiệp.
Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công thương TP cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có 9 đơn vị đầu mối cung ứng xăng dầu thông qua hệ thống phân phối gồm 6 tổng đại lý và 518 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tổng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn thành phố bình quân 130.000 m3/tháng. Trong đó, xăng A95 chiếm hơn 33% tổng sản lượng cung ứng, xăng A92 chiếm hơn 62%, còn xăng sinh học E5 là hơn 4%.
Cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố có 58 cửa hàng xăng dầu triển khai thí điểm bán xăng E5, đến cuối tháng 10/2015 thì có 78 cửa hàng. Đến ngày 30/11/2015, thành phố có 262/518 cửa hàng xăng dầu tham gia phân phối xăng sinh học E5, đạt hơn 50%.
Trong đó, có 190 cửa hàng đã bán xăng E5 và 72 cửa hàng đang trong quá trình thanh lý xăng truyền thống A92 và chuẩn bị súc rửa bồn bể, kiểm định lại trụ bơm để bán xăng sinh học kể từ ngày 15/12/2015. Đầu năm 2016, thành phố sẽ khuyến khích 100% cửa hàng tham gia bán xăng E5.
Theo bà Đào, sản lượng xăng sinh học E5 bán ra thị trường thấp do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại sử dụng. Trong khi đó, các cửa hàng bán xăng E5 doanh số ít, chiết khấu thấp ảnh hưởng đến doanh thu nên chưa thật sự hấp dẫn để cửa hàng xăng dầu tự ý chuyển đổi. Ngoài ra, chênh lệch giá bán giữa xăng sinh học E5 và xăng A92 chỉ khoảng 500 đồng/lít là còn thấp nên chưa hấp dẫn người tiêu dùng.
Ông Lê Đức Thuận – Giám đốc công ty Cổ phần Dầu khí Sài Gòn cho biết, việc bán xăng E5 gặp nhiều khó khăn khi thị trường vẫn song song tồn tại 2 loại xăng truyền thống A92 và xăng E5. Các đại lý, cửa hàng xăng dầu chưa mặn mà kinh doanh xăng E5 và ngại đầu tư bồn bể, trụ bơm và thay đổi biển hiệu.
“Trong thời gian qua, giá dầu thế giới giảm sâu nhưng giá nhiên liện cồn Ethanol ổn định dẫn đến giá đầu vào không đảm bảo cạnh tranh với các mặt hàng khác cùng loại. Điều này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đẩy giá bán xăng sinh học E5 thấp nhất nhằm khuyến khích người dân sử dụng”, ông Thuận nói.
Ông Thuận kiến nghị cần nghiên cứu và sớm ban hành cơ chế ưu đãi về thuế đối với cồn Ethanol nhằm giảm giá thành xăng E5 để khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh xăng E5. Đồng thời, xây dựng các biện pháp chế tài đối với đơn vị kinh doanh xăng dầu không thực hiện nghiêm túc việc bán xăng E5.
Còn ông Dương Văn Phi – Giám đốc xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Khu vực II (Petrolimex) cho biết, nhu cầu tiêu thụ xăng E5 còn thấp, ít khách hàng hỏi mua, hầu như chỉ tập trung vào các giờ cao điểm. Giá xăng E5 chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng.
Theo ông Dương, đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng E5, mặc dù phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, tổ chức lại kinh doanh song Nhà nước vẫn chưa có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp yên tâm thực hiện.
“Nhà nước cần nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn nguyên tắc xác định giá cơ sở xăng sinh học cũng như cơ chế quản lý giá bán và nguồn cồn Ethanol sản xuất trong nước giúp doanh nghiệp yên tâm và chủ động trong tổ chức kinh doanh”, ông Phi đề xuất.
Trước đó, Saigon Petro (Công ty TNHH MTV dầu khí Sài Gòn) đã đề xuất Sở công thương TP nên thực hiện biện pháp hành chính yêu cầu tất cả (100%) cửa hàng bán lẻ xăng dầu chỉ kinh doanh xăng sinh học E5 và không kinh doanh xăng truyền thống A92 (chỉ kinh doanh xăng A95, tương tự một số địa phương như Quảng Ngãi, TP Cần Thơ) thì mới có kết quả khả quan.
Theo bà Lê Ngọc Đào, nhiều cơ chế, chính sách mà các đơn vị cung ứng, tổng đại lý kiến nghị chưa được các bộ, ngành tích cực tháo gỡ nên đã không tạo được động lực trong việc tham gia phân phối xăng sinh học E5. Sắp tới, thành phố sẽ kiến nghị bộ, ngành trung ương sớm ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ đối với các đơn vị tham gia phân phối xăng E5; nghiên cứu để đưa ra giá thấp hơn từ 1.000 – 1.500 đồng so với xăng truyền thống thì mới có tác dụng tích cực hơn đến người tiêu dùng.
“Có nhiều đơn vị đề xuất nên ngừng bán xăng truyền thống A92. Tuy nhiên, quan điểm của sở là không can thiệp bằng biện pháp hành chính. TPHCM là thành phố lớn nên việc đảm bảo an ninh năng lượng là hết sức quan trọng. Đối với việc phân phối xăng E5, chúng tôi muốn tổng đại lý, đầu mối, cửa hàng chuyển từ nhận thức đến hành động. Doanh nghiệp ý thức được lợi ích và tự giác tham gia phân phối xăng sinh học thì sẽ mang tính bền vững hơn là áp dụng biện pháp hành chính và chế tài”, bà Đào nhấn mạnh.
Theo bà Đào, đối với các cửa hàng xăng dầu còn lại, nhất là những nơi hạn chế, khó khăn về cơ sở vật chất thì thành phố sẽ kiểm tra và triển khai sau. Khi triển khai đồng loạt bán xăng E5 thì sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu.
“Với số lượng cửa hàng lớn, cộng với công tác tuyên truyền sâu rộng đến các đơn vị vận tải, cơ quan nhà nước, người dân; hỗ trợ cửa hàng xăng dầu thì việc phân phối xăng E5 sẽ đạt kết quả cao hơn. Tất nhiên, giai đoạn đầu sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để cải thiện tình hình. Chúng tôi sẽ áp dụng chính sách mưa dầm thấm lâu để nâng cao sản lượng xăng sinh học trên địa bàn thành phố trong thời gian tới”, bà Đào nói.
Quốc Anh