1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM: Số lượng doanh nghiệp bị phá sản bất ngờ tăng cao

(Dân trí) - Có 21% doanh nghiệp cho biết sẽ chỉ “cầm cự” được đến hết tháng 5/2020; 19% cho rằng sẽ phá sản trong quý 2. Doanh nghiệp đang gặp nhiều “rào cản” trong việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

TPHCM: Số lượng doanh nghiệp bị phá sản bất ngờ tăng cao - 1

Tọa đàm Khôi phục và Phát triển kinh tế TPHCM năm 2020.

Ngày 5/5, UBND TPHCM đã chủ trì buổi Tọa đàm Khôi phục và Phát triển kinh tế TPHCM năm 2020. Tham dự buổi tọa đàm có nhiều lãnh đạo cấp cao của thành phố, đại diện các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế.

Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết: Trong quý 2/2020, số lượng doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản sẽ tăng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo số liệu khảo sát của Hiệp hội này, 21% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng sẽ “cầm cự” được đến hết tháng 5/2020, 12% doanh nghiệp duy trì đến hết tháng 6, 12% doanh nghiệp duy trì đến hết tháng 9, 2% doanh nghiệp duy trì được đến cuối năm, 19% doanh nghiệp cho biết sẽ phá sản trong quý 2 và 34% doanh nghiệp không xác định được tình hình cụ thể.

“Hiệp hội đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM thiết lập cơ chế thông tin nhanh danh sách các doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch Covid-19 đang nợ ngân hàng hoặc chưa tiếp cận được với vốn để được hỗ trợ kịp thời”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, các “rào cản” về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra hay tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ vẫn là những “nút thắt” rất lớn để doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay.

Ngay cả khi tiếp cận được với các ngân hàng thì số lượng vốn của ngân hàng cho doanh nghiệp vay cũng không thỏa mãn được kế hoạch phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp.

TPHCM: Số lượng doanh nghiệp bị phá sản bất ngờ tăng cao - 2

Đại diện các hiệp hội và chuyên gia đã chia sẻ những ý kiến, quan điểm để vực dậy nền kinh tế thành phố.

Ông Dũng đề xuất lãnh đạo thành phố cần đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho việc xuất khẩu khi việc nới lỏng cách ly quốc tế được thực hiện.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cần khai thông các khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa và đặc biệt là giải phóng hàng hóa tại các cảng.

Triển khai nhanh các dự án đầu tư công có hiệu quả và có thêm những tiêu chí ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước tham gia đấu thầu, xét chọn thầu đối với các dự án đầu tư công.

Các gói mua sắm Chính phủ cần quan tâm nhiều hơn, sử dụng nhiều hơn sản phẩm trong nước, công khai thông tin, tạo cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia hoàn thiện chất lượng sản phẩm để phục vụ.

Hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, liên kết, cung ứng nội địa, chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu. Giúp doanh nghiệp tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến nông sản thay cho việc xuất khẩu nông sản thô.

“Chúng tôi kiến nghị thành phố chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh chuỗi sản xuất cung ứng cũng như chuẩn bị đón “làn sóng” chuyển dịch đầu tư từ nước ngoài sang Việt Nam sau dịch Covid-19. Các ngân hàng cũng cần ưu tiên cho vay đủ vốn, tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư, cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường…”, ông Dũng chia sẻ.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cũng kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng theo lộ trình để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.

TPHCM: Số lượng doanh nghiệp bị phá sản bất ngờ tăng cao - 3

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM.

Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM  cho biết: Nếu hỗ trợ các doanh nghiệp chậm trễ, không kịp thời sẽ càng làm cho doanh nghiệp khó khăn và đi đến phá sản, kéo theo nhiều hệ lụy như tăng tỉ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội, gia tăng tội phạm…

Cũng theo ông Phong, lãnh đạo thành phố mong muốn được lắng nghe những kế sách cũng như sự tham vấn của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu. Việc này nhằm giúp lãnh đạo thành phố đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm hỗ trợ cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế của thành phố, từng bước vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, cũng như tìm kiếm cơ hội phát triển sau dịch như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND TPHCM thông tin thành phố cũng đang đối diện với nhiều thách thức và rất cần lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học như: Thị trường xuất nhập khẩu sẽ làm gì khi các chuỗi cung ứng bị đứt gãy nghiêm trọng? Làm sao để vực dậy sức mua của thị trường nội địa khi người dân đã nhìn nhận lại hành vi tiêu dùng sau đại dịch do tâm lý lo sợ kéo dài? Có nên mở cửa phát triển du lịch quốc tế và thời điểm nào là thích hợp? Giải pháp nào để ổn định kinh tế, ổn định việc làm cho người lao động …

Buổi tọa đàm đã và đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các chuyên gia, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Đại Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm