TPHCM: Người dân xếp hàng dài đi siêu thị vì khó đặt online, thiếu shipper
(Dân trí) - Người dân đến mua sắm ở các cửa hàng, siêu thị tại TPHCM có chiều hướng tăng mạnh, lí do là những hạn chế khi đặt hàng online và thiếu người giao hàng (shipper).
Tại siêu thị Co.opmart Nhiêu Lộc, người dân xếp thành 3 hàng dài khoảng 100 m để chờ tới lượt vào mua sắm.
Bà Lưu Thị Ngon (ngụ phường 11, quận 3) cho biết bà xếp hàng từ lúc 9h, nhưng đến 9h30 vẫn chưa thể vào bên trong siêu thị.
"Bình thường, tôi đi siêu thị buổi tối nhưng bây giờ phải tranh thủ đi ban ngày vì siêu thị đóng cửa sớm. Gia đình tôi cũng muốn đặt hàng online cho thuận tiện nhưng việc giao hàng đang gặp nhiều khó khăn" - bà Ngon nói.
Theo bà Ngon, gia đình bà thường xuyên lên các ứng dụng đi chợ hộ hoặc đặt hàng online để nhân viên siêu thị giao tới nhà. Tuy nhiên, các siêu thị liên tục quá tải đơn, phải chờ 2-3 ngày mới nhận được hàng. Các ứng dụng đi chợ hộ thì có "hàng loạt" cửa hàng tạm đóng cửa dẫn đến không có nhiều sự lựa chọn.
Đẩy chiếc xe chở thực phẩm từ siêu thị ra, anh Ngô Văn Long chia sẻ cũng không muốn đến chỗ đông người ở thời điểm này, thế nhưng anh vẫn phải đến siêu thị để thực phẩm cho gia đình.
Anh Long nhận thấy, việc đặt mua thực phẩm online đang gặp nhiều khó khăn do các điểm bán thiếu shipper và chi phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng khoảng 50-70% so với tuần trước.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, cửa hàng Co.opFood trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3) cũng xảy ra tình trạng quá tải đơn hàng.
Khoảng 10h sáng, bảo vệ cửa hàng đề nghị khách không vào bên trong, ai muốn mua sản phẩm nào thì ghi vào tờ giấy, nhân viên sẽ soạn hàng. Đến13h chiều, khách sẽ đến nhận hàng của mình và thanh toán tiền.
Cách cửa hàng nói trên vài chục mét, cửa hàng của Vissan cũng có gần 20 người đứng xếp hàng chờ mua thịt heo, xúc xích, chả lụa… Một số cửa hàng tiện lợi khác cũng có cảnh xếp hàng khá dài.
Theo đại diện một số siêu thị lớn tại TPHCM, nhu cầu mua sắm trực tiếp tại chỗ của người dân đang tăng mạnh do các siêu thị chưa thể đáp ứng được nhu cầu mua sắm online vì thiếu shipper.
Đại diện hệ thống Aeon Việt Nam cho biết, siêu thị này đang rất cần đội ngũ shipper trong thời điểm này để hỗ trợ đưa hàng hóa thiết yếu đến với người dân. Tuy nhiên, các đối tác vận chuyển và shipper vẫn gặp nhiều khó khăn do không thể di chuyển giữa các quận, điều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động giao hàng đối với đơn online.
"Việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua hàng online của người dân trong bối cảnh hạn chế ra đường trở thành thách thức rất lớn đối với các siêu thị" - đại diện Aeon chia sẻ.
Theo đại diện siêu thị nói trên, việc lưu thông hàng hóa thiết yếu trong và ngoài khu vực TPHCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, việc kiểm tra các loại giấy tờ cần thiết của phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra vào thành phố vẫn còn nhiều "bất cập" tại các chốt kiểm soát, dẫn đến một số nhà cung cấp giao hàng trễ hoặc không thể giao hàng đến siêu thị.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử đăng ký "luồng xanh" thường xuyên gặp phải tình trạng truy cập quá tải, dẫn đến nhiều nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu chưa thể đăng ký để được cấp phép lưu thông, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Siêu thị này kiến nghị các sở, ban, ngành và UBND thành phố quan tâm, tạo điều kiện để hàng hóa, thực phẩm được lưu thông dễ dàng; tạo điều kiện cho nhân viên siêu thị, người giao hàng di chuyển thuận lợi qua các khu vực chốt kiểm soát, đảm bảo công việc được duy trì để phục vụ nhu cầu của người dân.
Theo UBND TPHCM, kể từ ngày 26/7, thành phố chỉ cho phép dịch vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại công văn 2648 ngày 23/7 của UBND thành phố.
Cụ thể, các đơn vị cung ứng dịch vụ shipper phải chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phòng chống dịch theo quy định. Đồng thời, rà soát đội ngũ nhân viên giao hàng của đơn vị và thực hiện điều chỉnh giảm 10% số lượng nhân viên (so với trước thời điểm thực hiện chỉ thị số 12 của Ban thường vụ Thành ủy).
Ngoài các giải pháp nhận diện như hiện nay như đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp cấp cho shipper, ứng dụng quản lý đơn hàng mà shipper đang giao nhận thì các đơn vị cần bổ sung thêm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper và ứng dụng công nghệ nhận diện shipper thông qua mã QR Code.
Trong đó, hiển thị đầy đủ các thông tin về shipper như: phương tiện, địa chỉ công ty, nơi cư trú của shipper, giao hàng, người đặt hàng, lộ trình vận chuyển hàng hóa thiết yếu và chi tiết hàng hóa thiết yếu được vận chuyển…
Mỗi shipper chỉ được hoạt động trên địa bàn một quận, một huyện hoặc tại TP Thủ Đức.
Riêng đối với các đơn vị không quản lý bằng ứng dụng công nghệ nhân viên giao hàng của các siêu thị, các đơn vị cung ứng dịch vụ thực hiện quản lý theo các biện pháp yêu cầu nêu trên và tập hợp đăng ký danh sách shipper gửi Sở Công Thương xác nhận.