1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM: Khách đi xe buýt tăng 25%

(Dân trí) - Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TPHCM cho biết: sau hơn nửa tháng tăng giá xăng dầu, lượng khách đi xe buýt đã tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngay sau ngày xăng tăng giá lên 19.000 đồng/lít, lượng khách đi xe buýt đã rục rịch tăng từ 10 - 15% và nay xác định chính xác là 25%. Trung tâm khẳng định: việc lượng khách tăng cao đột biết như trên do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu.

Được biết khách tăng chủ yếu trên các tuyến xe có trợ giá đi qua các đường chính, như: Bến Thành - Chợ Lớn, Bến Thành - Ngã 3 Tân Vạn, Bến Thành - Bình Tây…

Về tình trạng quá tải thì hiện nay chưa xảy ra, chỉ những lúc cao điểm người dân mới phải chịu cảnh đứng trên xe do nhu cầu tăng đột biến, đây là tình hình chung ở hệ thống vận tải công cộng khắp thế giới.

Bởi đến cuối năm 2007, số ghế có khách trung bình của xe buýt TPHCM là 70%. Nếu lượng khách tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái thì số ghế có khách trung bình cũng chỉ lên đến 85%.

Ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TPHCM, khẳng định: TPHCM hiện có hơn 3.200 xe buýt, đáp ứng được khoảng 1,2 triệu lượt hành khách/ngày. Do đó, sẽ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.

Về khó khăn của ngành xe buýt khi giá xăng dầu tăng cao, UBND TP cũng đã thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ. Trước hết là chủ trương cho doanh nghiệp vận tải xe buýt được nhận tạm ứng tiền trợ giá ngay từ đầu tháng (trước đây, phải đến giữa tháng sau mới được nhận tiền trợ giá tháng trước).

Liên Sở Tài chính - Giao thông Vận tải cũng đã quyết định điều chỉnh đơn giá chi phí vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt do tăng giá nhiên liệu. Theo đó, tùy xe không máy lạnh hay có máy lạnh mà được bổ sung thêm 300 - 384 đồng/km (xe từ 17 đến 25 ghế), 400 - 560 đồng/km (xe từ 26 đến 38 ghế), 632 - 732 đồng/km (xe trên 39 ghế)…

Ngoài ra, ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Công nghiệp Sở GTVT, cho rằng: “Xe buýt hoạt động kém một phần là do các hợp tác xã vận tải quản lý kém. Chỉ có khoảng 20% khối HTX có bộ máy điều hành hoạt động đạt yêu cầu”. Do vậy, Sở GTVT đã có quyết định từ nay đến hết năm 2010 sẽ giải thể các HTX hoạt động kém, nhỏ lẻ để hợp nhất thành các liên hiệp HTX để quản lý hiệu quả hơn.

Ngành giao thông hy vọng, với những biện pháp trên cộng với tình hình xăng dầu tăng giá sẽ giúp xe buýt TP phát triển tốt, thu hút người dân đến với vận tải công cộng nhiều hơn, hạn chế sự phát triển xe cá nhân.

Tùng Nguyên