TP.HCM có 81.000 gia đình cần nhà ở mỗi năm
(Dân trí) - Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa đưa ra con số dự báo về nhu cầu nhà ở cho người dân dân trong giai đoạn 2016 - 2020 với khoảng 81.000 hộ gia đình có nhu cầu về nhà ở mỗi năm, trong đó đa phần là hộ gia đình trẻ, người dân ngụ cư...
Theo nhận định của HoREA, hiện dân số TP.HCM vào khoảng 13 triệu người, nhưng hiện có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà ở phải đi thuê nhà trọ; mỗi năm thành phố cũng có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới cần nhà ở riêng. Bên cạnh đó, toàn thành phố có khoảng 3 triệu người dân nhập cư rất cần nhà ở để ổn định cuộc sống.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, các cơ chế cho nhà ở xã hội ở các văn bản chính sách khá nhiều nhưng khi thực hiện tại địa phương lại gặp nhiều vướng mắc như giải phóng mặt bằng, cơ chế vốn, cơ chế bắt buộc các chủ đầu tư dành 20% đất dự án để xây nhà ở xã hội... còn nhiều bất cập, khó thực thi nên tiến độ xây dựng nhà giá rẻ, nhà ở xã hội tại TP.HCM thời gian qua rất chậm so với yêu cầu.
Hiệp hội đề nghị Chính phủ giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho phép các dự án nhà ở thương mại từ 10 ha trở lên cũng được xem xét thực hiện phương thức quy đổi bằng tiền đối với phần nghĩa vụ dành 20% quỹ đất kinh doanh để làm nhà ở xã hội tùy theo từng dự án.
Đề nghị hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho các dự án nhà ở xã hội, rút ngắn thủ tục hành chính khi phê duyệt dự án nhà ở xã hội vì hiện nay, kể từ khi đã giải phóng mặt bằng, vẫn phải mất trên 2 năm để làm thủ tục triển khai dự án. Thời gian lâu khiến quy hoạch và kế hoạch phát triển nhà ở bị ảnh hưởng lớn, tỷ lệ nhà đưa ra thị trường ít so với lượng cung đang tăng cao.
Ngoài các đề xuất về chính sách, HoREA khuyến nghị các nhà đầu tư, phát triển dự án bất động sản (BĐS) cơ cấu lại đầu tư, chuyển hướng mạnh vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, và cần quan tâm phát triển cả nhà cho thuê giá rẻ để phục vụ nhu cầu của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.
"Lượng cầu nhà ở xã hội, nhà giá rẻ trên đầu người tại TP.HCM hiện lớn nhất cả nước, áp lực ngày càng rõ rệt khi quỹ đất cho nhà ở xã hội tại nhiều quận nội thành, vùng ven đô không còn nhiều. Chính vì vậy, "hạ chuẩn" dự án từ cao cấp xuống "bình dân", "giá rẻ" cần được xem là chuyển hướng đầu tư, gia tăng giá trị, lợi nhuận thay vì xây dựng các dự án theo phong trào, dồn ứ, khó bán", đại diện HoREA nói.
Trên thực tế, theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM, tại thành phố hiện có nhiều xu hướng phát triển BĐS khác nhau: giá rẻ (kiểu nhà 100 triệu như tỉnh Bình Dương ở các quận ngoại thành, ven đô); kiểu nhà biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp, thương mại... Tuy nhiên, thời gian tới phát triển mạnh phân khúc nhà ở vừa túi tiền sẽ trở thành xu hướng chủ đạo, được tiếp cận nhiều chính sách hơn cả từ đất đai, hạ tầng đến vốn. Điều này sẽ giúp tái cân bằng thị trường và giảm thiểu rủi ro trong thị trường bất động sản hiện nay.
Nguyễn Tuyền