TPHCM chào mời doanh nghiệp đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng
(Dân trí) - Với nhu cầu vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng, ngân sách thành phố không đủ để đầu tư hết các công trình hạ tầng đô thị, nên chính quyền TPHCM vừa có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp lớn trên địa bàn, chào mời các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Sáng 3/6, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo UBND thành phố (TP) đã có buổi gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng đô thị trên địa bàn TP. Mục tiêu của cuộc gặp là để trao đổi về thực trạng và định hướng phát triển đô thị TP trong thời gian tới, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư cùng chính quyền thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, cho rằng: “Hạ tầng đô thị hiện đại góp phần cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Do đó, TP đang tập trung xây dựng, tạo bước đột phá trong xây dựng hạ tầng đô thị”.
Theo ông Khoa, thời gian qua hạ tầng đô thị thành phố đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều khu vực lạc hậu, xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, gây bức xúc trong nhân dân như ngập nước, kẹt xe. Vì vậy, thành phố mong muốn tìm giải pháp để phát triển hạ tầng đô thị, kêu gọi các nguồn lực của doanh nghiệp đầu tư vào đây.
Đại diện Sở Quy hoạch và Triến trúc TP cho biết, TP phát triển theo mô hình tập trung đa cực, thời gian tới sẽ nghiên cứu quy hoạch phát triển không gian ngầm ở khu vực trung tâm hiện hữu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố mong muốn sự tham gia của doanh nghiệp góp ý trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch, tham gia đầu tư các dự án hạ tầng…
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thì kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào các công trình hạ tầng giao thông. Bởi chỉ trong giai đoạn 2020 - 2025, thành phố cần hơn 550 nghìn tỷ đồng đầu tư cho 203 dự án giao thông cầu đường bộ, bãi đậu xe ô tô, vận tải hành khách công cộng…
Ông Cường đề nghị các nhà đầu tư góp ý những vấn đề liên quan đến tạo điều kiện gắn kết giữa chính quyền TP và nhà đầu tư, cơ chế chính sách cho đầu tư PPP, các chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, các chính sách ưu đãi…
Theo ông, những năm qua do nguồn vốn ngân sách còn eo hẹp nên kết quả đầu tư chưa được hoàn tất theo quy hoạch đã duyệt. Do đó, nhu cầu vốn đầu tư là rất lớn, thành phố rất cần các doanh nghiệp chung tay trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng, minh bạch.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, thì mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải, cải tạo bãi chôn lấp, quan trắc môi trường…
Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn thì trình bày hàng loạt dự án cải tạo đô thị như chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh, rạch trên địa bàn; cải tạo, xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975… Ông hy vọng các nhà đầu tư chú trọng đến lĩnh vực này để cải tạo bộ mặt thành phố, hướng đến xây dựng 1 thành phố văn minh, đáng sống.
Ông cũng đề nghị ưu tiên điều chỉnh quy hoạch 1/2000 theo hướng tăng chỉ tiêu quy mô dân số cho các dự án chỉnh trang đô thị dọc các tuyến kênh rạch, các dự án xây dựng mới chung cư cũ, tăng giá trị quỹ đất đối ứng thanh toán… để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư.
Quốc Anh