1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM cần dựa vào những tiêu chí nào để mở cửa an toàn?

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng đến lúc TPHCM cần bộ tiêu chí mới để phân vùng nguy cơ phù hợp hơn. Dữ liệu có thể gồm mật độ ca nhiễm, tỷ lệ xét nghiệm dương tính, tiêm vắc xin và cần được công khai, cập nhật.

Trình bày kết quả nghiên cứu "Thực trạng và đề xuất hành động ứng phó Covid-19 tại TPHCM" ngày 17/9, TS Phạm Thái Sơn, Giảng viên Đại học Việt Đức, đánh giá 2 điểm nghẽn chính trong công tác phòng chống dịch thời gian vừa qua là sự phối hợp liên ngành và dữ liệu. 

Giải quyết ngay điểm nghẽn dữ liệu

Theo TS Phạm Thái Sơn, các ngành chức năng thiếu sự phối hợp toàn diện, trơn tru với nhau nên đôi khi không có sự hành động thống nhất. Việc thiếu phối hợp cũng xuất hiện giữa các địa phương, các vùng với nhau. Ví dụ tiêu biểu là có quá nhiều ứng dụng phòng chống dịch thời gian qua. 

Về điểm nghẽn dữ liệu, TS Sơn cho rằng có nhiều chỉ tiêu đang bị thiếu hụt khiến việc nhìn nhận bức tranh tổng thể về dịch bệnh tại TPHCM chưa đầy đủ. Đơn cử như chưa có thống kê về số ca tử vong vì các nguyên nhân khác trong giai đoạn dịch bệnh để đánh giá đầy đủ hậu quả của dịch bệnh gây nên. Hay số liệu về tiêm chủng vắc xin cũng có sự khác biệt khi tra cứu trên các cổng thông tin khác nhau.

TPHCM cần dựa vào những tiêu chí nào để mở cửa an toàn? - 1

Chuyên gia cho rằng cần sớm khắc phục tình trạng dữ liệu tiêm chủng của người dân chưa được cập nhật đầy đủ (Ảnh: Hải Long).

Từ hai điểm nghẽn trên, TS Phạm Thái Sơn cho rằng cần thiết lập một chiến lược ứng phó và phục hồi dài hạn, thống nhất liên ngành để mở cửa, tránh tình trạng mở đến đâu, làm đến đó. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị trong tháng 9, cần tập trung vào việc lập kế hoạch mở cửa kinh tế, sản xuất. Trong 3 tháng cuối năm, TPHCM mở cửa dần các khu vực phù hợp, chuẩn bị chiến lược và kế hoạch liên vùng.

Để khắc phục điểm nghẽn dữ liệu, TPHCM cũng như Chính phủ đã có kế hoạch chỉ sử dụng một ứng dụng công nghệ duy nhất giúp người dân thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh việc chuyển dữ liệu của hàng trăm nghìn, hàng triệu người dùng từ ứng dụng này sang ứng dụng khác sẽ rất mất thời gian, khó có thể hoàn thiện chỉ trong 1-2 tuần mà có thể cần đến vài tháng.

Do đó, không loại trừ khả năng việc quản lý "thẻ xanh", "thẻ vàng" Covid-19 thời gian đầu vẫn phải cần phương án song song bằng giấy tờ. Trong thời gian đó, chính quyền cần hoàn thiện ứng dụng, chuẩn hóa thông tin. Đặc biệt, thông tin quan trọng nhất là quản lý tình trạng tiêm chủng của người dân.

TS Sơn cũng nhắc đến tầm quan trọng của việc thống nhất danh mục dữ liệu, đầu mối, thời gian báo cáo, đặc biệt là thống kê tử vong ngoại viện, tử vong do các nguyên nhân ngoài Covid-19. Chỉ khi có dữ liệu chính xác, cơ quan quản lý mới có thể đưa ra quyết định đúng.

TPHCM cần dựa vào những tiêu chí nào để mở cửa an toàn? - 2

TPHCM cần thống kê số ca tử vong ngoại viện, ngoài lý do Covid-19 để đánh giá đúng hậu quả của đại dịch (Ảnh: Hữu Khoa).

Đề xuất tiêu chí mới để đánh giá tình hình dịch

Nhóm nghiên cứu cho rằng, trong tình hình dịch bệnh hiện nay ở TPHCM, những chỉ số, phương thức đánh giá được đặt ra trước đó để phân loại các vùng nguy cơ mang tính định tính không còn phù hợp, có thể dẫn tới những đánh giá chủ quan, sai lệch.

Vì vậy, cần thiết lập một khung đánh giá tổng quát nhằm đánh giá chính xác, cập nhật mức độ nguy cơ, đảm bảo an toàn khi mở cửa, đề xuất hành động phù hợp với từng nhóm, vùng. Các chỉ số cơ bản cần được công bố công khai, có thể đo lường, cập nhật thường xuyên hàng ngày.

Các chỉ số được nhóm của TS Sơn đề xuất sử dụng gồm: Số ca nhiễm trung bình bảy ngày, mật độ số ca nhiễm mới trong bảy ngày (trên tổng dân số của từng khu vực), tỷ lệ ca dương tính trên tổng số xét nghiệm, tỷ lệ tiêm vắc xin (có lưu ý đến các nhóm yếu thế như người lớn tuổi, người béo phì, có bệnh nền).

Về trung và dài hạn, nhóm nghiên cứu của TS Sơn đề xuất TPHCM xét nghiệm tầm soát thường xuyên, với phương thức chọn mẫu và tỷ lệ mẫu phù hợp theo tuần dựa trên nền tảng kiến thức dịch tễ, thống kê khoa học thay vì xét nghiệm dàn trải, để thường xuyên đánh giá nguy cơ của các địa bàn.

TPHCM cần dựa vào những tiêu chí nào để mở cửa an toàn? - 3

Chuyên gia kiến nghị TPHCM cần xét nghiệm tầm soát thường xuyên nhưng chọn mẫu trên cơ sở dịch tễ học, tránh xét nghiệm dàn trải (Ảnh: Phạm Nguyễn).

Bên cạnh đó, TPHCM cần thành lập nhóm chuyên gia thảo luận về chỉ số cụ thể, các ngưỡng áp dụng có ý nghĩa dịch tễ, phù hợp với thực tiễn địa phương, xác định trọng số cho từng chỉ số nếu cần. Thành phố cần đưa ra giải pháp, hành động tương ứng với các nhóm khu vực được phân vùng nguy cơ.

"Chắc chắn chúng ta phải mở cửa, nhưng phải thận trọng, mở cửa đúng cách, dựa trên dữ liệu. Nếu không dựa vào dữ liệu thực chứng, chúng ta có nguy cơ mở ra rồi sẽ phải đóng lại giật cục", TS Sơn nói. 

Đồng quan điểm với nhóm nghiên cứu, TS Nguyễn Ngọc Hiếu, Giảng viên Đại học Việt Đức, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu tin cậy, cập nhật để chống dịch linh hoạt, thích ứng.

TS Hiếu lấy ví dụ các thành phố ở Đức đặt ra các ngưỡng với tiêu chí, biện pháp cụ thể. Khi một nơi chuyển sang mức "vàng" hay "đỏ", người dân ở đó chủ động vì đã có sẵn kịch bản, chính quyền không cần đưa ra thêm chỉ thị mới.

Về an sinh xã hội, chuyên gia cho rằng: TPHCM cần kế hoạch hỗ trợ người khó khăn liên tục trong ít nhất 3-6 tháng tới thay vì công bố từng gói, xét duyệt từng lần dẫn đến tình trạng giật cục. Công tác hỗ trợ cần được triển khai với tinh thần "không hối tiếc", thà trao nhầm còn hơn trao thiếu, sẽ giải trình, hậu kiểm sau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm