TPHCM "bật" khỏi top 5 cuộc đua năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

(Dân trí) - Với việc được gần 12.000 doanh nghiệp "chấm điểm", trong khi TPHCM tụt hạng 2 bậc trong bảng xếp hạng PCI 2015, Hà Nội nhạt nhòa ở vị trí thứ 24 thì Đà Nẵng vẫn giữ vững "ngôi vương" và Quảng Nam lần đầu lọt vào Top 10.

Sau chặng đường hơn 10 năm đồng hành cùng các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Hợp tác phát triển Quốc tế Mỹ (US-Aid) chính thức công bố sáng nay (31/3/2016).

Theo đó, quán quân PCI năm 2015 tiếp tục là Đà Nẵng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Đà Nẵng trụ vững tại ngôi đầu bảng với số điểm 68,34, ghi nhận lần thứ 6 thành phố này dẫn đầu cả nước kể từ khi chỉ số PCI được công bố.

VCCI đánh giá, việc trung tâm hành chính tập trung của thành phố đi vào hoạt động từ tháng 9/2014 đã phát huy hiệu quả trong việc tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, tiền bạc cho cả người dân, doanh nghiệp lẫn cán bộ, công chức.

Đa số các chỉ tiêu đo lường chi phí thời gian và hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính của Đà Nẵng đều cải thiện. Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết họ “không phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký” tăng từ 67% năm ngoái lên 70%, tỉ lệ đánh giá “cán bộ công chức làm việc hiệu quả” cũng tăng từ 71% năm ngoái lên 76%.

Một phần bảng xếp hạng PCI năm 2015
Một phần bảng xếp hạng PCI năm 2015

Trong khi đó, Đồng Tháp tiếp tục duy trì được phong độ của mình với vị trí thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố, cũng là năm thứ 8 liên tiếp địa phương này nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu PCI cả nước. "Là một địa phương nằm ở vị trí “khuất nẻo”, Đồng Tháp đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và doanh nghiệp" - báo cáo PCI nhận định.

Năm nay, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) bị bật khỏi Top 5 - nhóm địa phương được đánh giá "rất tốt", tụt hạng 2 bậc từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 6, hoán đổi vị trí cho Vĩnh Phúc. Quảng Ninh cũng thăng hạng 2 bậc lên vị trí thứ 3, đẩy Lào Cai xuống vị trí thứ 5 bảng xếp hạng.

Nhìn chung, những tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng được đánh giá có nhiều sáng kiến cải cách trong cải cách hành chính như tinh gọn bộ máy, công khai, minh bạch trong đánh giá và lựa chọn cán bộ, chất lượng điều hành rất tốt.

Vị trí của Hà Nội có cải thiện từ vị trí thứ 26 lên thứ 24 và nằm trong nhóm "khá". Tuy nhiên, với vai trò là Thủ đô của cả nước nhưng Hà Nội vẫn "nhạt nhòa" trong bảng xếp hạng PCI hàng năm cho thấy dư địa cải cách của Hà Nội vẫn còn rất lớn. Nhất là tại các tiêu chí đánh giá, Hà Nội "đội sổ" ở hai chỉ số thành phần "gia nhập thị trường" và "tiếp cận đất đai".

Trong nhóm 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước lần đầu tiên có sự góp mặt của Quảng Nam. Trước đó, tỉnh này từng có 6 lần xuất hiện trong nhóm 15 tỉnh, thành đứng đầu PCI.

Theo đơn vị khảo sát, lần đầu tiên kể từ khi báo cáo PCI ra mắt năm 2005, số lượng doanh nghiệp tham gia phản hồi vượt qua ngưỡng 10.000. Nếu tính thêm 1.584 doanh nghiệp FDI, tổng phản hồi điều tra lên tới hơn 11.700 doanh nghiệp, con số cao kỉ lục trong lịch sử điều tra PCI.

PCI ra đời với vai trò là tiếng nói đại diện cho nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh Việt Nam, truyền tải một cách trực tiếp và mạnh mẽ tới các nhà hoạch định chính sách ở cả cấp trung ương và địa phương.

Đến nay, PCI đã trở thành công cụ hỗ trợ quan trọng để quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong khi đó, các lãnh đạo các địa phương sử dụng PCI làm thước đo thành công của các chương trình cải cách về điều hành kinh tế. Chỉ số này cũng được các đại biểu Quốc hội và hiệp hội doanh nghiệp sử dụng để giám sát hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh cấp địa phương.

Bích Diệp

TPHCM "bật" khỏi top 5 cuộc đua năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - 2