PCI sau 10 năm đã có sự đua tranh lành mạnh
(Dân trí) - Việc chấm điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh sẽ như một cú huých rất có ý nghĩa , rất tác dụng....
Minh họa: Ngọc Diệp
Năm 2005 , khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam( VCCI) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ tại VN, trực tiếp là nhóm các nhà nghiên cứu thuộc dự án Sáng kiến cạnh tranh VN (USAID/VNCI) đã tìm cách lý giải việc một số địa phương này vì sao lại phát triển tốt hơn địa phương kia. Thời kì đó, có những địa phương nằm ở cuối bảng, họ phản ứng gay gắt và cho là cách chấm điểm về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ( PCI) này thiếu cơ sở khoa học, là chưa khách quan và tại sao lại mời cả tổ chức ngoài nước tham gia ? v.v ... Vậy mà nay đã 10 năm tròn.
Từ chỗ họ chỉ lấy phiếu thăm dò khoảng hơn ngàn doanh nghiệp về mức độ tín nhiệm của doanh nghiệp với chinh quyền địa phương, với môi trường đầu tư, đến nay, cuộc thăm dò đã thể hiện tính khách quan hơn thế rất nhiều. Với 9.859 phiếu thăm dò gửi các doanh nghiệp được phát đi, PCI 2014 đã thu về những kết quả tích cực, khiến chúng ta không còn chỗ cho sự hoài nghi về mức độ , uy tín của cách chấm điểm . Đó là câu chuyện đáng mừng bởi đã xuất hiện những yếu tố đua tranh và xem ra, có cả chuyện "con gà tức nhau tiếng gáy "khá rõ.
Sau 9 năm bình chọn, năm 2013, hai năm liền Tuyên Quang là địa phương đứng ở nhóm cuối của bảng xếp hạng PCI . Vậy mà , năm 2014 này, Tuyên Quang đã trở thành một hiện tượng cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ. Từ nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành thấp, thì năm 2014, Tuyên Quang đã có số điểm PCI tổng hợp tăng lớn nhất, vượt trội trong số 63 tỉnh, thành phố(với 6,22 điểm). Cuộc đua vừa công bố hôm 16/4 này, Tuyên Quang đã tăng 13 bậc so với năm 2013. Thành công này cũng không hề bất ngờ đến với họ .Phải chăng, sau 2 năm liền nằm ở cuối bảng , họ đã "thấm"nỗi đau của một địa phương kém cỏi để rồi mạnh mẽ tìm cách bứt lên.
Theo báo cáo của địa phương này thì năm 2013, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động cải thiện Chỉ số PCI. Trưởng ban chỉ đạo là một Phó Chủ tịch tỉnh cùng các ủy viên là lãnh đạo các sở ngành và Chủ tịch 2 hiệp hội doanh nghiệp tại tỉnh hợp sức lại. Từ năm 2014, Tuyên Quang đã học tập kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp, tổ chức một loạt các Chương trình "Cà phê doanh nhân" để lãnh đạo tỉnh và sở, ngành có dịp cùng lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp. Tuyên Quang cũng là tỉnh đầu tiên trong nhóm cuối bảng xếp hạng các năm trước thực hiện mô hình này.
Lào Cai sau cú "rớt hạng" thế thảm năm 2013 từ thứ 5 xuống 17 chỉ vì có phần tự mãn(?) ,họ đã rất nghiêm túc chỉnh đốn công tác, thường xuyên tổ chức tọa đàm, lắng nghe, trao đổi với các giới doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đặc biệt , ở tỉnh miền biên ải Lào Cai năm nay, họ đã trở lại ấn tượng, lên vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI 2014 ( có năm họ đã đứng ở vị trí thứ 2). Bên cạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định có liên quan đến việc tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh bảo đảm sự thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, duy trì các buổi gặp gỡ, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên các lĩnh vực liên quan như thuế, hải quan, ngân hàng, tài nguyên và môi trường. Năm vừa rồi, Lào Cai cũng là tỉnh có sáng kiến đột phá khi xây dựng Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố (DCI). Lào Cai coi việc thực hiện chỉ số DCI là kênh quan trọng nhằm để tiếp thu những ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, của các thành phần kinh tế về chất lượng điều hành của chính quyền các huyện, thành phố.Đây có thể là động lực mới để chính quyền các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đổi mới, năng động, sáng tạo trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần vào thành công chung của tỉnh...
"Con gà tức nhau tiếng gáy " phải chăng là như thế ?
Bằng mấy câu chuyện sinh động trên cũng đủ thấy tính tích cực của việc chấm điểm năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nó sẽ như một cú huých rất có ý nghĩa , rất tác dụng.
Bản báo cáo PCI 2014 của VCCI đã ghi nhận được những thành công ban đầu. Xu hướng cải thiện chất lượng điều hành của các tỉnh, thành phố khá tích cực. Điểm số các mặt của PCI 2014 đã tăng đáng kể so với những năm trước đó.
Giữ vững và ổn định nhiều năm nay ở bảng xếp hạng, Đà Nẵng lại tiếp tục bảo vệ thành công vị trí quán quân của bảng xếp hạng PCI 2014 với số điểm 66,87. Thành công này đến từ việc thực hiện hiệu quả chương trình “Năm Doanh nghiệp Đà Nẵng 2014”, khi chính quyền Thành phố đã có nhiều hoạt động thiết thực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ mặt bằng sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho tiếp cận hỗ trợ tài chính tín dụng, chủ động tích cực tổ chức gặp gỡ đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Vậy là cái" nếp "hay của Đà Nẵng vốn được cố Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh ngày nào là người khai thông. Nay ông dù có đi xa, những lớp cán bộ kế thừa, đồng chí của ông, vẫn giữ vững truyền thống , phong cách làm việc đó. Rõ ràng, đây là điều rất đáng ghi nhận và trân trọng.
Hai vị trí tiếp theo là tỉnh Đồng Tháp (65,28 điểm) và Lào Cai (64,67 điểm) như vừa đề cập, vốn là những gương mặt quen thuộc trong nhóm đầu của bảng xếp hạng hàng năm.
Rồi Quảng Ninh trong hai năm liền vừa qua, họ đã bứt phá đến chóng mặt và duy trì trong TOP 5 bởi những cách làm hay.Quảng Ninh luôn đi trước về cải cách hành chính , về công tác cán bộ, về môi trường đầu tư thông thoáng , hấp dẫn...
Bên cạnh sự khát khao bứt phá, tránh rơi vào nhóm "đèn đỏ" của bảng xếp hạng PCI như Tuyên Quang, năm nay cũng là năm đầu tiên thành phố Hồ Chí Minh, "chàng khổng lồ" của nền kinh tế nước nhà cũng đã vươn lên ngoạn mục, đứng ở vị trí thứ 4 . Người ta rất khó lý giải về một thành phố đầu tầu về kinh tế , chính trị , xã hội như TP Hồ Chí Minh vì sao suốt bao năm nay họ luôn đì đẹt đến vậy ?
Thành phố Hà Nội, trái tim của cả nước, cũng là" đầu tầu kinh tế" như TP Hồ Chí Minh. Năm nay, Hà Nội cũng đã có nhiều tiến bộ , vươn lên được 7 bậc . Song cũng vẫn chỉ nằm ở TOP khá và khiêm tốn khi đứng thứ 26 /63 tỉnh , thành phố. Hà Nội chưa bao giờ được coi là điểm sáng trong bảng xếp hạng suốt 10 năm qua, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế mà họ có .
Một người bạn đồng nghiệp của tôi, nhà báo Nguyễn Trí Dũng , nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí , Bộ Thông tin Truyền thông,người có nhiều năm giữ cương vị Tổng biên tập một tờ báo kinh tế lớn, khi tôi gọi điện trao đổi liệu có nên lựa chọn cán bộ nguồn từ chỉ số PCI tốt không, thì ông nhìn nhận :"1) Dựa vào PCI để đánh giá cán bộ cũng là điều rất nên vì bản thân những tiêu chí để quyết định kết quả PCI là một tập hợp những quy chuẩn chặt chẽ, nghiêm túc, khoa học. Nó được đúc kết qua thực tiễn sống động của hàng trăm nền kinh tế trên thế giới ở tất vả các thang, nấc và trình độ phát triển. (2) Do vậy, không thể nói tôi lãnh đạo địa phương tốt nhưng PCI của tôi thấp là vì ...ABCD được."
Hy vọng qua 10 năm chấm điểm PCI , các tỉnh , thành phố trong cả nước sẽ thấy được sự đổi mới, tiến bộ hoặc còn hạn chế ở địa phương mình mà có kế hoạch, mục tiêu phấn đấu , cùng ganh đua lành mạn để vươn lên trong những năm tiếp theo. Mỗi tỉnh, thành cũng sẽ có biện pháp không để tụt hậu, nhất là với những địa phương có thừa tiềm năng , thế mạnh vốn có của mình.
Quốc Phong