Toyota Việt Nam nỗ lực phát triển nhà cung cấp nội địa
(Dân trí) - Hãng xe Nhật tăng cường đóng góp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bằng việc hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp nội địa.
Những khó khăn trong sản lượng đầu ra, quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng là rào cản khiến ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa lớn mạnh như tiềm năng cũng như kỳ vọng của các nhà sản xuất xe. Để cạnh tranh với những nhà cung cấp nước ngoài vốn đã có lịch sử lâu đời và nền tảng quản lý tốt là điều rất khó khăn.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 và lắp ráp chiếc xe đầu tiên vào tháng 8/1996, Toyota là một trong những hãng đi đầu trong hoạt động nội địa hóa. Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 60, trong đó có 13 nhà cung cấp thuần Việt với tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.
Đại diện hãng xe Nhật cho biết, để đáp ứng nguồn cung xe cho thị trường với các mẫu lắp ráp trong nước, việc tối ưu nhà cung cấp nội địa là ưu tiên của Toyota Việt Nam. Hơn nữa, khi mạng lưới công nghiệp hỗ trợ nội địa phát triển còn mang tới nhiều lợi ích cho ngân sách địa phương và giải quyết bài toán việc làm.
Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất mà Toyota Việt Nam triển khai là dự án hợp tác cùng Cục Công nghiệp - Bộ Công thương để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ôtô. Mục đích của dự án này là để nâng cao năng lực và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ với các nhà lắp ráp, sản xuất ôtô.
Hoạt động này đã được hãng triển khai hàng năm từ 2020. Là hãng xe danh tiếng trong việc quản lý hiệu quả sản xuất, tồn kho, quy trình cũng như cải tiến, Toyota mang những kinh nghiệm của mình chia sẻ với các nhà cung cấp, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý sản xuất.
Bên cạnh việc hợp tác với Bộ Công thương, trong năm 2023, Toyota cho hay cũng triển khai một dự án mới cùng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) nhằm tăng cường hoạt động nâng cao năng lực và liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ trong nước với các nhà lắp ráp ôtô.
Trong quá trình triển khai dự án, Toyota Việt Nam, Cục Công nghiệp - Bộ Công thương và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã sàng lọc các doanh nghiệp sản xuất và lập danh sách nhà cung cấp tiềm năng về phụ tùng, linh kiện ô tô để kết nối với các nhà sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam.
Cùng với đó, Toyota cho biết đã cử chuyên gia hỗ trợ các nhà cung cấp về cải tiến phương pháp quản trị sản xuất, cách thúc đẩy phong trào 5S và kaizen (thay đổi để tốt hơn) trong doanh nghiệp.
Với chương trình năm nay, Toyota đã phối hợp cùng Cục Công nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho 7 nhà cung cấp, 6 nhà cung cấp còn lại được hỗ trợ theo chương trình hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Dự án đã giúp các doanh nghiệp đạt được kết quả tích cực về giảm diện tích tồn kho, dòng chảy sản phẩm và tăng năng suất lao động.
Điểm đặc biệt là những nhà cung cấp vốn được Toyota Việt Nam hỗ trợ những năm trước đã đồng hành với hãng xe Nhật để tư vấn cho những doanh nghiệp khác. Cụ thể, 2 nhà cung cấp được hỗ trợ trong dự án năm 2022 là Công ty Cổ phần Công nghiệp Kim Sen và Công ty TNHH Một thành viên Cao su 75 - năm nay đóng vai trò tư vấn để chia sẻ kiến thức cho các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Sau 6 tháng triển khai, dự án hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô giai đoạn 2023 - 2024 được đánh giá thành công khi giúp 13 doanh nghiệp nâng cấp hoạt động cải tiến 5S, an toàn lao động và Kaizen trong nhiều lĩnh vực như giảm tồn kho và diện tích nhà xưởng, tối đa hóa chi phí, tăng năng suất cũng như cải thiện môi trường làm việc.
Kết quả, các doanh nghiệp đã giảm được 103 nhân sự, giảm 5.772 m2 diện tích nhà xưởng, năng suất lao động tăng 80%, giảm 62% hàng tồn kho, loại bỏ 109,14 tấn đồ vật không cần thiết.
Ông Ugi Hitoshi, Giám đốc Khối Nội địa hóa cho biết dựa trên những kết quả đạt được của dự án, Toyota có thể tiếp tục đồng hành và hỗ trợ thêm nhiều nhà cung cấp thuần Việt cải thiện hoạt động và từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô trong thời gian tới.
Sau 4 năm tổ chức, các hoạt động đã thực hiện trong dự án gồm đào tạo cải tiến sản xuất, tư vấn tại hiện trường để giúp các nhà cung cấp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thông qua dự án, Toyota cho biết đã tổ chức các khóa đào tạo về nâng cao hiệu quả công việc cho hơn 160 nhà cung cấp mới, sàng lọc, tuyển dụng được một số nhà cung cấp và đang cân nhắc thêm 20 nhà cung cấp tiềm năng.
Bằng việc hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong ngành, Toyota Việt Nam vừa mở rộng mạng lưới nhà cung cấp của mình, từ đó tăng tỷ lệ nội địa hóa, mặt khác giúp mạng lưới hỗ trợ tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, quản lý doanh nghiệp và quan trọng hàng đầu là sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.