Tổng tài sản của các ngân hàng bất ngờ tăng vọt

(Dân trí) - Dữ liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm 130.891 tỷ đồng, lên 7.504.542 tỷ đồng. Trong đó, mức tăng chính đến từ nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước.

Cụ thể, tổng tài sản toàn hệ thống ngân hàng tăng thêm 130.891 tỷ đồng, lên 7.504.542 tỷ đồng, riêng khối ngân hàng có vốn Nhà nước tăng 36.415 tỷ đồng, lên 3.336.132 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý I/2016, tính đến 31/3, tổng tài sản của 3 ngân hang là: BIDV, VietinBank và Vietcombank đạt 2.313.023 tỷ đồng. Như vậy, số còn lại là tổng tài sản của 3 ngân hàng 0 đồng (Oceanbank, GPBank và Ngân hàng Xây dựng) và Agribank.

Cùng với đó, tổng tài sản của khối NHTM cổ phần cũng có sự bứt phá, tăng 2,43%, lên 2.999.268 tỷ đồng. Vốn điều lệ toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng lên 462.299 tỷ đồng, tăng 0,44% so với đầu năm. Vốn tự có toàn ngành cũng đạt 582.817 tỷ đồng, tăng 0,83% so với đầu năm.


Tổng tài sản của các ngân hàng bất ngờ tăng vọt

Tổng tài sản của các ngân hàng bất ngờ tăng vọt

Trước đó, tổng tài sản của khối các ngân hàng thương mại Nhà nước trong tháng 2 giảm với mức giảm 0,13%, xuống gần 3,3 triệu tỷ đồng, sau khi có sự gia nhập khối của 3 ngân hàng 0 đồng.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) giảm nhẹ từ 12,9% xuống còn 12,67%, trong đó có cả ngân hàng có vốn Nhà nước và NHTM cổ phần. Nỗi lo giảm hệ số CAR cũng đã được lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận tại đại hội đồng cổ đông vừa qua. Nhiều ngân hàng cũng đã lên kế hoạch tăng vốn khủng để nhằm đảm bảo hệ số CAR không xuống mức 9%.

Tính đến 31/3/2016, hệ số CAR của các ngân hàng có vốn Nhà nước chỉ ở mức 9,27%, gần tiệm cận với mức tối thiểu theo quy định của NHNN. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tăng nhẹ lên 30,86%, trong đó ngân hàng có vốn Nhà nước tăng từ 33,91% trong tháng 2 lên 34,25%, còn NHTM cổ phần thì tăng nhẹ lên mức 35.65%.

Thống kê của NHNN cũng cho thấy, tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động toàn hệ thống ở mức 87,35%, trong đó ngân hàng có vốn Nhà nước đạt trên 97% và các NHTM cổ phần là 77,46%.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán MB về câu chuyện tăng trưởng của ngành ngân hàng, việc tăng trưởng tài sản rủi ro nói chung và tăng trưởng tín dụng nói riêng còn phải tính đến hệ số an toàn vốn (CAR). Kể từ 2016, 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Khi áp dụng theo tiêu chuẩn Basel II, dự kiến hệ số CAR sẽ giảm từ 100 - 300 điểm cơ bản (basic points) tùy từng ngân hàng.

“Những ngân hàng có hệ số CAR hiện tại tương đối cao (như MB, ACB và VCB) sẽ ít bị sức ép về vốn hơn các ngân hàng có hệ số CAR thấp, do đó sẽ ít bị hiệu ứng pha loãng cũng như việc trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông cũng ít bị ảnh hưởng hơn”, báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo báo cáo này, lãi suất cho vay và lợi suất trái phiếu liên tục giảm trong mấy năm qua, trong bối cảnh ngành ngân hàng thực hiện tái cơ cấu và tập trung xử lý nợ xấu khiến NIM (tỷ lệ thu nhập lãi cận biên) giảm dần. Tuy nhiên, xu hướng NIM tạo đáy và hồi phục tăng nhẹ đã bắt đầu với một số ngân hàng từ cuối năm 2015, dẫn đầu là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Trong đó, VCB là ngân hàng đã quyết liệt xử lý nợ xấu và dẫn đầu trong nhóm hồi phục, đã đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2015 (19,7%). Mặc dù VCB đã nỗ lực thay đổi cơ cấu tài sản sinh lời theo hướng giảm tài sản liên ngân hàng và tăng tỷ trọng cho vay, đặc biệt cho vay cá nhân, trong bối cảnh lãi suất chung trên thị trường giảm do lạm phát giảm và do cạnh tranh đẩy mạnh cho vay giữa các ngân hàng, lãi suất gộp đầu ra của VCB đã giảm khoảng 36 điểm cơ bản (từ 5,63% năm 2014 xuống còn 5,27% năm 2015). Tuy nhiên, chi phí vốn giảm mạnh hơn (giảm 69 điểm cơ bản, từ 3,48% năm 2014 xuống còn 2,79% năm 2015) là yếu tố quan trọng giúp VCB cải thiện được NIM trong năm 2015 vừa qua (tăng từ 2,39% năm 2014 lên 2,58% năm 2015).

VCB đã tích cực nâng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn từ mức 25,8% năm 2014 lên 28% 2015.

Cũng theo số liệu NHNN công bố, nợ xấu toàn ngành đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 3 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12/2015.

Hôm qua, Thống đốc NHNN chỉ thị các TCTD chấp hành nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và các quy định khác của pháp luật về lãi suất huy động và cho vay, phí cho vay, các quy định về mua bán ngoại tệ, niêm yết tỷ giá và giao dịch trên thị trường ngoại tệ, quản lý ngoại hối...

Chủ động phát hiện và chấn chỉnh, xử lý nghiêm người đứng đầu các chi nhánh, đơn vị trực thuộc của tổ chức tín dụng để xảy ra vi phạm, báo cáo Ngân hàng Nhà nước; Tăng cường năng lực tài chính, quản trị rủi ro, chất lượng tài sản, chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng; Tiếp tục triển khai phương án cơ cấu lại, thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu, phấn đấu duy trì bền vững tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống dưới 3%.

An Hạ

Tổng tài sản của các ngân hàng bất ngờ tăng vọt - 2