Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan nói về vai trò "gác cửa" nền kinh tế
(Dân trí) - "Với vai trò là người gác cửa nền kinh tế, ngành hải quan phải đi thẳng lên hiện đại trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng và yêu cầu bức thiết của các đối tác lớn" - ông Nguyễn Văn Cẩn nói.
Bộ Tài chính vừa xây dựng dự thảo về chiến lược phát triển ngành hải quan giai đoạn 2021-2030 theo hướng hải quan thông minh, hiện đại. Đây là thách thức cực kỳ lớn trong bối cảnh Việt Nam đang mở cửa và thách thức toàn cầu gia tăng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan khẳng định, mục tiêu phát triển từ 2021-2030 của ngành hải quan là rất thách thức, song là nhiệm vụ phải hoàn thành và yêu cầu phải vượt qua.
Theo ông Cẩn, mô hình hải quan thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển ngành hải quan theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu.
Người đứng đầu ngành hải quan khẳng định: Là lực lượng cửa ngõ nền kinh tế, hải quan cần thiết áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.
Về mô hình hải quan thông minh, ông Cẩn cho biết, đây là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, mô hình còn phải có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, yêu cầu chia sẻ - kết nối thông tin với các Bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Các mô hình hải quan thông minh gồm quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán...
Để xây dựng mô hình hải quan thông minh, Tổng cục Hải quan đề ra 7 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến mô hình hải quan thông minh, số hóa các nghiệp vụ hải quan.
Các nhiệm vụ được đặt ra đơn cử như: Tinh giản bộ máy tổ chức hải quan tại các cấp cơ sở; tăng cường hợp tác quốc tế, với mô hình hải quan hiện đại...
Đáng nói, trong dự thảo, Bộ Tài chính dự kiến xây dựng tổ chức bộ máy hải quan 3 cấp: Cấp Tổng cục, cấp Vùng và cấp Chi cục.
Mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức này là theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, không chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình nghiệp vụ hải quan tập trung, thông minh.
Về hình thức hoạt động, ngành hải quan sẽ hình thành các trung tâm chuyên sâu về phân tích, xác định trọng điểm theo từng loại hình cửa khẩu là đường bộ, đường biển, đường hàng không, đường sông, đường sắt; trung tâm phân loại hàng hóa; trung tâm quản lý giá, xuất xứ hàng hóa; trung tâm kiểm tra hồ sơ hải quan.