Tổng cục QLTT: Thất thu 5.000-6.000 tỷ đồng mỗi năm vì thuốc lá nhập lậu
(Dân trí) - Lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho biết tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra phức tạp. Chính sách thuế cần được nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý để giảm động lực của người tham gia buôn lậu...
Tại hội thảo "Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá" do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) tổ chức sáng 16/7, bà Tô Kim Huệ, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần phải được sửa đổi.
"Bởi hiện nay tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao (42,3% năm 2020) và tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ vẫn còn ở mức thấp so với khuyến cáo của WHO", bà Huệ nói.
Thuốc lá lậu có nguy cơ phát triển tràn lan
Theo bà Huệ, với 2 phương án tăng thuế được đề xuất, thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng trung bình khoảng 13%/năm. Tuy nhiên, tỷ lệ trốn thuế do thuốc lá lậu tăng trung bình khoảng 33-34%/năm bởi người tiêu dùng chuyển đổi hành vi tiêu dùng do tăng thuế.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PWC Việt Nam, cũng cho rằng thuốc lá bất hợp pháp đang là vấn đề nhức nhối cho ngành. Theo WHO, thị phần thuốc lá lậu trên thế giới khoảng 11,6%. "Việc tăng thuế thuốc lá hợp pháp khiến người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang sử dụng các loại thuốc lá bất hợp pháp", bà nhìn nhận.
Dẫn chứng ở Đức, vị này cho biết trong giai đoạn 2002-2005, nước này tăng thuế 47,3% lên 82,7 euro/1.000 điếu. Ngay sau đó, người tiêu dùng chuyển sang mua các loại thuốc lá từ các quốc gia khác. Lượng tiêu thụ thuốc lá hợp pháp giảm 34% nhưng ngân sách bị trì trệ.
"Nếu Việt Nam tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá như đề xuất, giá bán lẻ thuốc lá hợp pháp vào năm 2030 sẽ tăng trung bình khoảng 100% so với năm 2025. Phân khúc thấp tỷ lệ tăng lên đến 150%", chủ tịch PWC Việt Nam cho hay.
Theo đó, bà Vân cho rằng cần xem xét, đánh giá cẩn trọng các tác động từ mọi khía cạnh. Giãn tiến độ tăng thuế, tránh tăng "sốc" gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và ngành, đồng thời có biện pháp chống buôn lậu hiệu quả.
Đề cập đến thực trạng quản lý thuốc lá lậu tại Việt Nam, ông Kiều Dương, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Pháp chế, Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương), thừa nhận tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn ra khá phức tạp.
Trong giai đoạn 2019-2020, có 59.639 vụ thuốc lá lậu bị bắt giữ, 37,5 triệu bao thuốc lá lậu bị tịch thu và 22,1 triệu bao bị tiêu hủy. Theo đó, Nhà nước đã bị thất thu thuế khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng/năm.
"Đường biên giới phức tạp, phương thức vận chuyển của các đối tượng ngày càng đa dạng, tinh vi; đối tượng vi phạm ngày càng liều lĩnh, manh động. Bên cạnh đó, nhận thức và tác động của nguồn thu bất hợp pháp... là những nguyên nhân khiến công tác quản lý mặt hàng thuốc lá nhập lậu vẫn gặp nhiều khó khăn", ông nói.
Vị này cho rằng chính sách thuế với thuốc lá cần được nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để làm giảm động lực của người tham gia buôn lậu, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội, cũng cho rằng việc sửa Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là rất cần thiết, trong đó có sản phẩm thuốc lá. "Tuy nhiên, cần làm rõ hơn về tính cấp bách, cấp thiết về các lợi ích, tác động kinh tế, ngân sách và tác động đối với doanh nghiệp, xã hội", ông Tân lưu ý.
Về phương pháp đánh thuế, lãnh đạo Vụ Tài chính ngân sách cho rằng cần nghiên cứu thêm, mỗi phương án cần xem xét các ưu điểm, nhược điểm. Về phía Quốc hội, ông cho biết các đại biểu sẽ có ý kiến về các phương án và tiến hành biểu quyết.
Đề xuất lộ trình
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Nhân, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, cũng cho rằng việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là cần thiết. "Tuy nhiên, phương án đề xuất của Bộ Tài chính về mức thuế tiêu thụ đặc biệt tuyệt đối cho mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà một cách đột ngột và lớn sẽ tác động sâu rộng đến ngành", ông Nhân nhìn nhận.
Đối với thuốc lá điếu, theo vị này, cả 2 phương án của Bộ Tài chính đề xuất đẩy mức tăng giá bán xuất xưởng và giá bán lẻ theo cách trong năm 2026 từ 24,6% đến 62%. Đến năm 2029-2030, giá bán lẻ sản phẩm chiếm 85% tổng sản lượng sẽ tăng lên 20.014-22.214 đồng/bao, tương đương với 2 sản phẩm nhập lậu chính là JET, HERO, đồng thời cao hơn rất nhiều so với sản phẩm nhập lậu giá rẻ.
"Về sản lượng, đến năm 2030 chỉ còn khoảng 1,5 tỷ bao, đây là con số rất quan ngại cho toàn bộ ngành thuốc lá Việt Nam. Khoảng 18 đơn vị thuộc hiệp hội sẽ phải thực hiện hoạt động cơ cấu lại, phá bỏ hoặc "đắp chiếu" nhiều hệ thống dây chuyền sản xuất…", ông nói.
Bà Hồ Linh Lan, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Thuốc lá Nhật Bản (JTI), cũng khẳng định công ty hoàn toàn ủng hộ việc áp dụng thuế hỗn hợp thông qua bổ sung thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá như dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
"Việc quy định một lộ trình tăng thuế nhiều năm với mức thuế được Chính phủ quy định trước sẽ góp phần đảm bảo sự ổn định của thị trường, tránh những cú sốc giá xảy ra do tăng thuế đột ngột có thể khiến người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm phi pháp", đại diện doanh nghiệp này cho hay.
Tuy nhiên, về lộ trình tăng thuế, doanh nghiệp đề xuất giữ nguyên thuế tương đối ở mức 75%, đồng thời bổ sung thuế tuyệt đối theo phương án: Năm 2026 cộng thêm 1.000 đồng/bao, đến năm 2028 cộng thêm 2.000 đồng/bao, và năm 2030 cộng thêm 3.000 đồng/bao.
Bộ Tài chính mới đây công bố dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Trong đó, cơ quan này đề xuất giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình 2026-2030.
Cụ thể, hai phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Phương án 1 là tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Phương án 2 là tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030. Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2 là sẽ tăng ngay từ năm đầu tiên.