Tổng cục Hải quan: Từ vụ Hanjin phá sản, buồn về năng lực vận tải biển trong nước

(Dân trí) - Hiện vận tải biển của Việt Nam phụ thuộc gần như 100% vào các hãng tàu nước ngoài và vụ việc như Hanjin phá sản là điều ngành Hải quan rất buồn khi các hãng tàu trong nước không đủ năng lực vận tải và khai thác lợi ích của vận tải biển quốc tế.

Đây là chia sẻ của ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tại Hội nghị Triển khai kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2016 - 2020 được đơn vị này tổ chức sáng nay (26/9) ở Hà Nội.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, các hàng hóa Việt Nam phụ thuộc vào vận tải biển của nước ngoài, giờ chúng ta chỉ còn các cảng, biển và kho bãi để làm dịch vụ mà không cung ứng dịch vụ được cho doanh nghiệp (DN) thì sẽ rất khó khăn.

"Hiện vận tải hàng hóa của Việt Nam chủ yếu dựa vào đường biển, vụ Hanjin phá sản (đại gia vận tải biển Hàn Quốc phá sản mang theo nhiều container đơn hàng của DN Việt Nam) khiến nhiều DN trong nước lao đao", ông Vũ Ngọc Anh nói.

Thông tin đại gia tàu biển Hanjin (Hàn Quốc) phá sản đang gây thiệt hại rất lớn cho các DN xuất nhập khẩu Việt Nam
Thông tin đại gia tàu biển Hanjin (Hàn Quốc) phá sản đang gây thiệt hại rất lớn cho các DN xuất nhập khẩu Việt Nam

Ông Anh nhấn mạnh thêm: Ngành hàng không, đường sắt và đường bộ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải quốc tế, chuyên chở lớn, trong khi đó Việt Nam phụ thuộc lớn vào các hãng tàu nước ngoài. Chính vì vậy, trong thời gian sắp tới, ngành Hải quan rất mong muốn các DN, hiệp hội vận tải, xuất nhập khẩu, DN hoạt động về cảng, Logistics nói lên tiếng nói phản biện.

Trước đó, sau khi thông tin hãng vận tải biển Hanjin của Hàn Quốc bị phá sản, nhiều DN Việt Nam có ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa từ các cảng này cho biết họ phải gánh chịu tổn thất nghiêm trọng, trong đó đặc biệt là việc chi phí phải trả cho hàng lưu kho tại các cảng quốc tế quá lớn, con số ước tính khi đại gia tàu biển Hàn Quốc đến nay đã nợ DN Việt lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo thông báo của Hanjin, có 23 tàu đỗ gần cảng của 23 quốc gia ở trong tình trạng neo đậu tạm thời mà không được tháo dỡ hàng hóa vì bị cảng từ chối tiếp nhận. Tại Việt Nam, tàu Hanjin Chennai đang neo đậu ngoài khơi vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên tàu chở hơn 800 container hàng từ ngày 1/9 đến nay. Phía Tân Cảng Sài Gòn đã đồng ý cho tiếp nhận tàu này để DN tháo dỡ hàng, tuy nhiên thuyền trưởng tàu vẫn sợ bị tạm giữ nên chưa dám cập cảng.

Ngoài vấn đề vụ đại gia tàu biển Hanjin phá sản gây tổn thất lớn cho DN Việt, góp ý vào hoạt động chuyên ngành của Hải quan trong thời gian tới, rất nhiều DN, đại diện Hiệp hội tại Hội nghị cho rằng: Ngành Hải quan dù đã có những cải cách đột phá, song những tồn tại vẫn còn, đặc biệt là việc kết nối thông tin đến với người dân.

Theo ông Nguyễn Tương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải logistics Việt Nam: "DN rất ngại khi trả lời các phiếu điều tra khảo sát có nhắc đến Hải quan, kể cả khảo sát đó là của Ngân hàng Thế giới (WB)."

"Họ ngại Hải quan và thứ hai là việc chúng ta đưa các phiếu điều tra chưa đúng địa chỉ, đúng đối tượng để đánh giá đúng về ngành Hải quan. Các thông tin dữ liệu xuất nhập khẩu, số xe và lượt phương tiện, cái mà DN cần thì không thể biết được, muốn có phải hỏi nhưng cũng rất khó. Chính vì thế, cải cách Hải quan theo hướng kết nối với DN để họ đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh là điều cần đổi mới kiên quyết thời gian tới", ông này cho hay.

Ngoài ra, theo đại diện Hiệp hội xăng dầu, Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) thì hiện nay quy định của ngành Hải quan đòi hỏi nhập hàng về phải bắt buộc nộp cho Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu (C/O), đây là điều gây khó khăn cho DN.

"Chúng tôi nhập khẩu xe về, Hải quan yêu cầu 2 ngày phải cấp C/O, trong khi đó các đối tác xuất khẩu sau 7 ngày, thậm chí lâu hơn mới cấp, thì DN lấy đâu ra", đại diện VAMA nêu quan điểm.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, việc yêu cầu C/O là theo quy định tham gia Hiệp đinh quốc tế, ví dụ như FTA Việt Nam ký kết với Hàn Quốc, nước này cho phép sau 1 năm mới cần phải cung cấp mẫu C/O. Tuy nhiên, đối với nhiều nước lại cấp luôn, trong đó có các nước ASEAN họ cấp ngay khi DN xuất khẩu hàng đi. Chúng tôi sẽ xem xét để trình lên Bộ Tài Chính, Chính phủ những trường hợp đặc biệt.

Theo thông tin của Tổng cục Hải quan, kế hoạch cải cách phát triển của ngành này xây dựng dự kiến đến hết năm 2016 sẽ có hơn 70% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến trên mạng, trong đó 50% là lĩnh vực cốt lõi về khai báo hải quan...

Năm 2017, 100% dịch vụ công sẽ được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3 (tức là cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ).

Theo kết quả của Tổng cục Hải quan, trong thời gian áp dụng cơ chế 1 cửa quốc gia với sự tham gia của 10 bộ ngành, tính đến 1/8/2016 đã có 150.000 bộ hồ sơ được xử lý, rút được từ 15 - 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan với các bộ ngành liên quan.

Nguyễn Tuyền