Tổng công ty Sông Hồng bị "đuổi" khỏi Dự án đường Hồ Chí Minh
Tổng công ty cổ phần Sông Hồng vừa bị loại khỏi Dự án Mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) do dính lỗi chuyển nhượng thầu trái phép.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, Tổng công ty cổ phần Sông Hồng (TCT Sông Hồng) là đơn vị đầu tiên bị phạt “thẻ đỏ trực tiếp” trong số 30 nhà thầu đang thi công tại hai đại công trình do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quản lý là Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ và Dự án mở rộng Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên).
“Tôi vừa ký quyết định chấm dứt hợp đồng đối với TCT Sông Hồng tại Gói thầu số 9, Dự án mở rộng Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Đắc Lắc”, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Như vậy, chỉ sau chưa đầy 3 tháng khởi công, TCT Sông Hồng đã bị “đuổi” khỏi Dự án, dù hồ sơ chứng minh năng lực thi công để được Bộ GTVT chỉ định thầu là khá hoàn hảo.
Quyết định của Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được đưa ra, sau khi Bộ GTVT có Văn bản số 6372/BGTVT – CQLXD ngày 3/6/2014 yêu cầu đơn vị đại diện chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với TCT Sông Hồng và tiến hành lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực để thay thế.
Trước đó, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - cơ quan được mệnh danh là “Cảnh sát chất lượng” của Bộ GTVT có khẳng định, việc “TCT Sông Hồng sang nhượng thầu trái phép” như một số đơn tố cáo “là có thật”.
Được biết, gói thầu số 9 (Km1729 + 489,94 - Km1733 + 459,46, Quốc lộ 14) dài 3,97 km, có giá trị hợp đồng 110,835 tỷ đồng được Bộ Giao thông - Vận tải chỉ định thầu cho liên danh TCT Sông Hồng - Công ty Xây dựng Thương mại Sài Gòn thi công. Trong đó, TCT Sông Hồng đứng đầu liên danh và thực hiện 74% khối lượng hợp đồng.
Tại gói thầu này, TCT Sông Hồng không trực tiếp thi công, mà giao lại cho đơn vị B “phẩy” là Công ty cổ phần Sông Hồng 36. Công ty cổ phần Sông Hồng 36 sau đó tiếp tục giao cho 2 nhà thầu khác là Công ty Tân Việt Bắc và Công ty TNHH Xây dựng Thành Đô mà không được phép của Bộ GTVT.
Mặc dù TCT Sông Hồng khẳng định, không thuê nhà thầu phụ mà chỉ “hợp tác sử dụng nhân lực, thiết bị”, nhưng Cục Quản lý xây dựng khẳng định, việc nhượng thầu là có thực do “nhà thầu không có hai yêu cầu tối thiểu để hoàn thành công trình là máy móc và nhân lực”.
Theo ông Đinh Tiên Phong, Chủ tịch HĐTV TCT Sông Hồng, sau khi nhận được thông tin về việc nhượng thầu, đơn vị đã khẩn trương xác minh, kịp thời chỉ đạo đình chỉ thi công của Công ty cổ phần Sông Hồng 36; chỉ đạo kiểm điểm kỷ luật các cá nhân có liên quan, kể cả miễn nhiệm chức danh giám đốc, phó giám đốc Công ty cổ phần Sông Hồng 36; đồng thời tổ chức cuộc họp nhằm giải quyết dứt điểm những tồn tại vướng mắc giữa hai đơn vị. Bên cạnh đó, TCT Sông Hồng trực tiếp triển khai tổ chức thi công để ổn định, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình.
“Tuy nhiên, động thái của lãnh đạo TCT Sông Hồng là không đủ để sửa sai cho cấp dưới”, lãnh đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông khẳng định.
Được biết, tại cuộc họp chất lượng các công trình giao thông vào sáng ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chất lượng, hợp đồng xây dựng, trong đó đặc biệt lưu ý tới hành vi bán thầu.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tại các cuộc họp giao ban hiện trường, đại diện chủ đầu tư đã nhiều lần cảnh báo nhà thầu không được phép sử dụng nhà thầu phụ thi công khi chưa được sự chấp thuận của chủ đầu tư, hoặc đại diện chủ đầu tư.
“Chúng tôi đang tiến hành ra soát việc sử dụng thầu phụ tại tất cả các gói thầu tại Dự án. Nếu phát hiện nhà thầu vi phạm điều 13 của hợp đồng xây dựng (sử dụng thầu phụ), nhà thầu chính sẽ bị loại khỏi công trình”, ông Hoàng khẳng định.
Theo Anh Minh