Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thay đổi nhận diện thương hiệu
(Dân trí) - Ngày 18/8/2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chính thức chuyển sang mô hình công ty cổ phần, đồng thời áp dụng bộ nhận diện thương hiệu tương ứng với tên giao dịch mới VIMC.
“Không chỉ là sự thay đổi biểu tượng”
Từ năm 2016, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam bắt đầu quá trình triển khai thực hiện công tác cổ phần hoá. Ngày 20/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 751/QĐ-TTg về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng của tập thể doanh nghiệp và trải qua nhiều khó khăn, vướng mắc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã chính thức chuyển sang kinh doanh theo mô hình công ty cổ phần vào ngày 18/8/2020 sau kỳ họp Đại hội cổ đông lần đầu tiên vào ngày 13 trước đó. Đồng thời, Tổng công ty cũng tiến hành áp dụng bộ nhận diện thương hiệu mới cho doanh nghiệp dựa trên tên giao dịch quốc tế VIMC (thay vì Vinalines như trước đây).
Logo mới của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mang trên mình hai tone màu xanh đậm và xanh nhạt, lần lượt đại diện cho biển cả và bầu trời, thể hiện đặc trưng ngành nghề và lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty. Biểu tượng quả địa cầu cách điệu phía bên trái được lựa chọn với mục đích tôn vinh khát khao phát triển mạnh mẽ nhằm vươn tầm châu lục và thế giới, tiếp tục đưa doanh nghiệp đến những thành công tiếp theo trong kinh doanh và luôn là đầu tàu tích cực thúc đẩy các công ty con của Tổng công ty. VIMC - Vietnam Maritime Corporation là tên thương hiệu mới của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP, với kết cấu chữ tinh tế, gọn gàng thể hiện sự hiện đại và sáng tạo mang đến cảm giác an toàn và thân thiện đối với khách hàng.
Tương ứng với tên giao dịch và bộ nhận diện thương hiệu mới, Tổng công ty cũng đã giới thiệu địa chỉ website chính thức http://vimc.co – trang thông tin chính thức của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
“Đó còn là biểu tượng của sự thay đổi”
Bộ nhận diện thương hiệu mới cũng đồng thời thể hiện quyết tâm không ngừng đổi mới của Tổng công ty hàng hải Việt Nam. Cùng với mô hình quản trị mới, hiện đại, tiên tiến và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng đặt ra cho mình những thước đo tiêu chuẩn mới trong kinh doanh, đảm bảo sự phát triển ổn định vào thời điểm nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay.
Khẳng định lại sứ mệnh của mình, VIMC sẽ không ngừng nỗ lực để đưa Việt Nam trở thành điểm đến chiến lược trên bản đồ hàng hải thế giới, đóng góp cho Tổ quốc thêm thịnh vượng từ biển. Với mục tiêu giữ vững vị trí số 1 trong việc cung cấp chuỗi giải pháp dịch vụ logistics trọn gói toàn cầu tại Việt Nam, VIMC cam kết mang đến khách hàng những giá trị vượt trội và mở rộng cơ hội tiếp cận, giao thương; đồng thời đảm bảo môi trường làm việc văn minh, khơi gợi tối đa tiềm năng và cơ hội phát triển cho toàn bộ đội ngũ công nhân viên.
Song hành cùng doanh nghiệp luôn là 5 giá trị cốt lõi mang tính quyết định trong từng “nhất cử, nhất động” của Tổng công ty: Kỷ luật – Tận tâm – Sáng tạo – Đồng lòng – Liêm chính. Các chuẩn mực này được đặt ra nhằm định hướng mọi hoạt động, kế hoạch và thúc đẩy triết lý “Vượt trên sự mong đợi” của Tổng công ty, mang đến cho khách hàng, cổ đông, đối tác, nội bộ và xã hội.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững đã đặt ra, việc hình thành các chuỗi cung ứng khép kín cũng sẽ là một trong những hướng đi cần thiết và tích cực thúc đẩy đồng đều mọi công ty con trong Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP phát triển theo hướng tận dụng tối đa các nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai.
Chia sẻ hành trình mới này, ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị VICM cho biết: “Hàng hải thế giới là ngành lâu đời nhất nhưng lại là một trong những ngành thiếu sự ổn định nhất, lên xuống thất thường theo sự biến động của kinh tế - chính trị toàn cầu. Chúng tôi đã thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua và sự thay đổi ấy đã giúp Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vượt qua con sóng lớn nhất trong một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Dù đã làm tốt, nhưng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường còn làm tốt hơn. Thay đổi mô hình quản trị, thay đổi logo, biểu tượng là cần thiết, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy và cách làm hướng tới khách hàng. Có như vậy “sự thay đổi biểu tượng mới trở thành biểu tượng của sự thay đổi””.