Tồn kho hàng nghìn thùng, cho nghỉ 70% số công nhân vì ế khẩu trang

(Dân trí) - Kinh doanh mặt hàng khẩu trang cho lợi nhuận rất cao mùa dịch, nhưng không phải ai cũng nắm bắt được cơ hội. Thậm chí, không ít người còn đang trên bờ vực vỡ nợ.

Sau đợt dịch lần 1, anh T.D. (Quảng Ninh) đầu tư vài tỷ đồng vào toàn bộ dây chuyền máy móc mới để sản xuất khẩu trang. Trước đây, một máy có 5 - 6 người làm, nhưng nay mỗi máy sẽ chỉ có 1 công nhân. Xưởng sản xuất của anh D vì thế có lúc có tới hàng trăm người làm. Nhưng đến nay, căng mắt nhìn khắp xưởng mới thấy có bóng người.

Không riêng anh D, rất nhiều xưởng đã thay đổi dây chuyền máy móc và ồ ạt tuyển nhân viên vào làm với mức lương 7 - 8 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng.

Tồn kho hàng nghìn thùng, cho nghỉ 70% số công nhân vì ế khẩu trang - 1

Làm theo dây chuyền mới nên rất nhiều xưởng ồ ạt tuyển công nhân.

Việc đầu tư vào máy móc mới theo anh D cũng tốn kém 1 - 2 tỷ đồng, lại phải thuê rất nhiều công nhân, nhưng năng suất lại cao hơn hẳn. Bởi theo anh, dây chuyền mới có thể làm ra 100 thùng/ngày, trong khi dây chuyền cũ chỉ tối đa 20 thùng/ngày.

Năng suất hơn, nên lượng hàng trên thị trường cũng đang dư thừa rất nhiều. Chưa kể, nhu cầu của thị trường với làn sóng dịch thứ 2 rất thấp khiến anh D phải cay đắng thừa nhận, hiện anh đang tồn hàng nghìn thùng khẩu trang, ước tính khoảng vài tỷ đồng.

Hàng tồn đọng quá nhiều khiến anh phải cắt giảm 70% công nhân đang làm việc tại xưởng. Chưa kể, trước đây công nhân chia nhau ra làm 2 ca một ngày, mỗi ca 12 tiếng. Thì nay, số công nhân ít ỏi còn lại chỉ làm 8 tiếng/ngày để cầm chừng.

Tồn kho hàng nghìn thùng, cho nghỉ 70% số công nhân vì ế khẩu trang - 2

Tuy nhiên, do khẩu trang ế hàng nên công nhân cũng mất việc rất nhiều.

“Công nhân làm theo sản phẩm, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, nên không ít người cũng xin nghỉ để đi tìm công việc khác. Thu nhập hiện tại của những người còn trụ lại chỉ khoảng 5 triệu đồng”, anh D cho hay.

Khách hỏi mua khẩu trang thời điểm này đã ít, nhiều người còn bỏ luôn tiền cọc để không phải lấy hàng. Trong đó, không ít khách đã chấp nhận bỏ 50 triệu tiền cọc để không phải “ôm" 1 nghìn thùng khẩu trang từ xưởng anh D.

Giá khẩu trang đang xuống mạnh khiến rất ít người mặn mà với việc nhập hàng. Chính anh D cũng phải thừa nhận, việc bán khẩu trang bây giờ không còn đem lại lợi nhuận. Thay vào đó, anh D tìm cách bán thêm máy móc cho các đối tác có nhu cầu.

Tồn kho hàng nghìn thùng, cho nghỉ 70% số công nhân vì ế khẩu trang - 3

Dây chuyền máy móc làm khẩu trang

Trước đây, anh D cho biết, dàn máy làm khẩu trang có giá lên tới 6 - 7 tỷ đồng, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng hơn 2 tỷ đồng. Giá rẻ nên đợt dịch lần 2 rất nhiều người đầu tư vào với hi vọng kiếm lời như đầu năm.

“Nhưng dây chuyền mới tốn nhân công, hàng lại ế dài khiến rất nhiều xưởng điêu đứng. Không ít xưởng ôm hàng từ đợt 4 - 5 triệu đồng/thùng, đến giờ chỉ còn 1,5 triệu đồng/thùng đang phải bán xả lỗ”, anh D nói. 

Vỡ mộng làm giàu, nhiều người vay tiền đầu tư dây chuyền còn phải gánh những khoản nợ khổng lồ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm